Hãy giúp trẻ học cách nói “Con không thể làm…, nhưng
con có thể làm…” khi trẻ phải đối mặt với việc mà trẻ không
thể làm được. Điều này sẽ giúp trẻ chấp nhận những điểm
yếu cũng như điểm mạnh của mình sau này.
Trò chơi tinh thần thể thao
Trò chơi này sẽ dạy trẻ những nguyên tắc của tinh thần
thể thao và không đổ lỗi cho người khác. Để hình thành trò
chơi đơn giản này, bạn sẽ cần hai chiếc xúc xắc - thực ra
thì một chiếc cũng được; một cái chảo cùng với một túi hạt
đậu hoặc một số vật khác để có thể ném vào chảo, và một bàn
cờ cùng với những quân cờ có thể di chuyển trên bàn cờ đó từ
lúc bắt đầu cho tới khi kết thúc. (Bạn có thể làm một bàn
cờ đơn giản bằng bìa cứng hoặc giấy với khoảng 50 ô từ tính
từ ô bắt đầu đến ô kết thúc.)
Mỗi trẻ trong lượt đầu phải đổ xúc xắc và di chuyển quân
cờ về phía trước theo đúng số trên mặt xúc xắc (từ một
đến sáu). Lượt thứ hai, trẻ phải cố gắng ném túi hạt đậu
vào chảo từ cách đó một vài bước chân. Nếu túi hạt đậu rơi
vào trong chảo, trẻ có thể di chuyển quân cờ sáu ô. Nếu túi
hạt đậu chạm vào chảo, nhưng không rơi vào trong, trẻ được
di chuyển quân cờ thêm bốn ô. Và nếu túi hạt đậu chỉ rơi ở
gần chảo, trẻ chỉ được đi hai ô. Lượt thứ ba, trẻ lại đổ xúc
xắc, lượt thứ tư, trẻ lại ném túi hạt đậu, cứ lần lượt như vậy.
Chính cuộc thảo luận của bạn trong khi chơi trò chơi sẽ dạy
trẻ những nguyên tắc của tinh thần thể thao và tự lực. Khi
trẻ đổ xúc xắc, hãy hỏi điều gì đó, đại loại như: “Con đổ
được mấy?” (Ba ạ.) “Thế có tốt không?” (Cũng được ạ.) “Có
tốt bằng sáu không con?” (Không ạ.) “Là lỗi của ai khi con
không được sáu?” (Không phải lỗi của ai ạ.) “Chuyện xảy ra
thế đúng không nào? Có những việc chẳng phải lỗi của ai.
Chúng ta có nên buồn khi chỉ được ba hoặc được một
không?” (Không ạ.) “Đúng thế. Lần tới có thể con sẽ làm
tốt hơn. Hãy cứ vui vì chúng ta đang chơi trò chơi là được
rồi”.