Rồi Hitler lấy lại bình tĩnh mau lẹ. Ông mím chặt đôi môi dữ dằn dưới
hàng ria mép và đọc cho các nhân viên đánh máy hình phạt dành cho kẻ có
tội. Một cách máy móc, ông tìm cách cho phân phối sự hận thù ông đang
nuôi dưỡng đối với những phần tử đối nghịch ra các kẻ chung quanh ông.
Ngay cả các nguyên thủ quốc gia các nước bạn cũng không tránh khỏi cơn
giận dữ của ông. Tôi luôn luôn bị ấn tượng bởi những luận cứ của ông khi
Mussolini hay Horty tìm cách làm ông có một thái độ hòa hoãn đối với dân
Do Thái. Hitler trong những lúc đó, vượt mọi nguyên tắc ngoại giao và
phác họa trước kẻ đối thoại hình ảnh dân Do thái với những màu sắc ghê sợ
nhất. Các giải thích dài dòng của ông luôn luôn chấm dứt với kết luận rằng
ông phải loại bỏ tụi Juif với bất cứ giá nào. Ông không bao giờ dùng một từ
ngữ rõ ràng, chỉ nói rằng : "loại bỏ" với một sự khinh bỉ mà không ai có thể
tưởng tượng ra được tầm mức quan trọng của nó. Ông luôn tỏ ra vui vẻ khi
ông kể cho chúng tôi nghe rằng các khách ngoại quốc đã nhắc nhở ông về
các biện pháp chủng tộc trong xứ họ. Ngày Antonescu báo tin cho ông hay
rằng dân Do thái đã "biến mất" trong vùng Bessarabie, ông thán phục ông
ta vô cùng. Trái lại, tôi thấy Hitler bất động trước suy luận của Horty, muốn
làm ông hiểu rằng dù sao ông cũng không ném bọn Juif ra đường, hay giết
sạch họ.
Ngay trong các câu chuyện ngoại giao, Hitler đã đi đến những thái độ
dữ dằn đối với các kẻ thù chính trị. Không bao giờ ông không dám mời các
vị quốc khách đổi xử với kẻ thù của họ bằng cách mà ông đã dùng trong
các trại tập trung. Ông cũng không do dự khi nói đến sự trục xuất và các
biện pháp trừng trị khi ông nói bóng gió đến các gia đình ngự trị ở Ý, Lỗ-
Ma-ni, Nam Tư lạp phu. Ông biết rằng các nơi đó thù nghịch ông. Vậy nên
dĩ nhiên họ ở trong những truy tố hận thù của ông.