định trừng phạt ông. Tiếc rằng Phạm Thư nghĩ khác, cho rằng mình đã
lỡ ám hại Bạch Khởi, nếu không “diệt cỏ tận gốc” thì sau này chỉ cần
Bạch Khởi chấp nhận yêu cầu của Tần vương rồi lập thêm nhiều công
trạng mới tất mình sẽ khó yên thân nổi.
Vì vậy nhân lúc Tần vương đang nóng giận, Phạm Thư liền gièm
pha thêm khiến nhà vua không sao kềm được nóng nảy, lập tức xuống
lệnh thu hết quan tước và đất phong của Bạch Khởi, giáng ông xuống
làm quân sĩ ở Âm Mật, là vùng đất khô khan hoang vắng, phải rời
khỏi Hàm Dương ngay trong ngày. Bạch Khởi nhận lệnh này chỉ buồn
rầu chứ không phản kháng, một thân một mình đi đến trạm Đỗ Bưu rồi
nghỉ ở đó chờ hành lý đến sau.
Thế nhưng Phạm Thư vẫn chưa cho là đủ, vu cáo với Tần vương:
– Trong lúc ra đi, Bạch Khởi oán giận nói nhiều lời khó nghe.
Thần chỉ biết là ông ta dẫn lời danh tướng Phạm Lãi ngày trước than
thở rằng “Con thỏ bị bắt thì chó săn tất bị mổ”. Thần lại biết họ Bạch
hoàn toàn không có bệnh gì, nếu như sang nước khác đầu quân thì thật
nguy cho Tần, xin Đại vương vì đại sự mà toan tính dứt khoát mới
được. Tần vương nghe vậy cũng hơi kinh hoảng bởi quả thật nếu Bạch
Khởi đến nước khác phò tá thì chắc chắn tham vọng của mình sẽ tiêu
tan thành mây khói. Nghe nói Bạch Khởi vẫn còn ở Đỗ Bưu chờ đợi
hành trang, Tần vương liền sai một viên cận thần đem thanh bảo kiếm
đến đó ban cho ông tự xử. Bạch Khởi nhận thanh kiếm, ngửa mặt lên
trời than thở: - Ta cả đời làm tướng giết chóc không biết bao nhiêu, đó
chẳng qua phải như vậy thôi. Thế nhưng ở Trường Bình ta đã quyết
định giết hơn 40 vạn hàng binh nước Triệu thì là quá tàn ác. Có lẽ đây
là quả báo, bao nhiêu vong hồn hàng binh nước Triệu tố cáo với trời
đất nên ta mới rơi vào tình trạng thế này. Đã là số trời thì làm sao
tránh khỏi, ta không thể tham sống sợ chết làm nhục tới tiếng tăm từ
bao lâu nay. Than xong, Bạch Khởi dùng bảo kiếm đâm cổ mà chết.
Danh tướng lẫy lừng một thời mà phải chết oan ức chỉ vì sự tranh
giành địa vị trong triều đình khiến ai ai cũng thương tiếc, người dân