Đỗ Bưu liền lập miếu thờ cúng Bạch Khởi ở đó, suốt tháng năm nhang
khói. Thế nhưng hậu quả việc lạm sát quá nhiều hàng binh vẫn như là
một vết nhơ ngàn đời, dù kính phục Bạch Khởi đến đâu mỗi khi nhắc
tới trận đánh Trường Bình người ta cũng không khỏi rùng mình kinh
sợ.
Do vậy mãi cho đến đời nhà Đường, tức là hơn 800 năm sau, đột
nhiên có một con trâu bị sét đánh chết ngoài đồng. Khi lật lên, người
ta thấy vết sét đánh ngoằn ngoèo giống như hai chữ “Bạch Khởi” thì
liền đồn đại đó chính là vị danh tướng nhà Tần, do giết người nhiều
quá nên vẫn bị trời hành tội, thành kiếp trâu rồi bị sét đánh. Điều này
hoàn toàn không thể tin được nhưng vẫn biểu hiện ấn tượng về việc
giết hàng binh nước Triệu của Bạch Khởi không bao giờ phai nhạt
trong tâm trí người dân Trung Hoa.
Khi giết xong Bạch Khởi, Tần vương lại sai Trịnh An Bình (bạn
của Phạm Thư) mang thêm quân đến Hàm Đan tiếp viện. Sau đó vẫn
không có biến chuyển nên Tần vương thân chinh đem quân đến Hàm
Đan, tình thế cực kỳ nguy cấp. May sao Tín Lăng quân của nước Triệu
lập kế trộm binh phù, hội họp các nước chống lại mới đẩy lui được
quân Tần.
Cái chết của Bạch Khởi khiến cho tham vọng của nước Tần bị
chậm lại rất lâu, cơ hồ bị mai một nếu sau này không xuất hiện một
nhân tài anh hùng đại lược là Tần vương Doanh Chính với những
danh tướng lưu danh trong lịch sử như Mông Điềm, Vương Tiễn, v.v...