Thái tử Đan lên nối ngôi xưng là Hiếu Thành vương. Tuy rằng Hiếu
Thành vương nghe theo kế sách của Liêm Pha, một mặt cố sức chống
đỡ, một mặt kêu gọi các nước mà trong đó hy vọng nhất là Tề với binh
lực hùng hậu do Điền Đan chỉ huy. Thế nhưng Hiếu Thành vương
cũng không dám ỷ lại, vẫn nghe theo lời yêu cầu của Tần vương, tìm
mọi cách bắt bằng được Ngụy Tề, rốt cuộc ông ta trốn đến nhà Tín
Lăng quân Vô Kỵ rồi biết đã cùng đường đành tự sát.
Dựa vào lý do ấy, Tần vương liền cho rút quân. Đó là lần đầu tiên
Vương Tiễn được giữ chức Đại tướng, được toàn quyền điều động
binh sĩ. Khi về nước rồi, Tần vương hết lời khen ngợi, cho rằng
Vương Tiễn dụng binh ngang hàng với Bạch Khởi nhưng mưu trí cao
sâu hơn bởi không tốn một tên quân nào cũng giết được Ngụy Tề và
làm cho các nước kinh sợ. Tần vương liền phong cho ông tước Võ
Thành hầu, cấp cho 10 vạn hộ thực ấp.
Thế nhưng vì tuổi đã cao, năm sau đó Tần Chiêu Tương vương
mất, lên nối ngôi là Doanh Trụ xưng hiệu Hiếu Văn vương. Chỉ 1 năm
sau Doanh Trụ chết, Doanh Tử Sở nối ngôi xưng hiệu Trang Tương
vương. Thế nhưng cũng không lâu, chỉ 3 năm sau Trang Tương vương
cũng qua đời và bắt đầu một vị vua mới hùng tài đại lược lên nắm
quyền, đó là Tần vương Doanh Chính, người sau này tự xưng Tần
Thủy Hoàng đế khét tiếng thiên hạ về nhiều mặt.
Ngay từ thời Trang Tương vương, Lã Bất Vi đã được phong làm
Tướng quốc nắm đại quyền lấn át cả nhà vua. Vương Tiễn là đại quan
trong triều, nhìn thấy rất rõ mối quan hệ giữa Hoa Dương công chúa,
Lã Bất Vi và Doanh Tử Sở nên không hề có một thái độ nghiêng về
phe nào. Ông giữ vững quan điểm này của mình cho đến tận cuối đời,
tức là giữ tròn bổn phận làm tướng, không có tham vọng gì thì sẽ
không rước lấy tai họa giống như Bạch Khởi. Vì vậy ông luôn tự giữ
thái độ trung dung, không bao giờ ỷ vào các chiến công mà kiêu ngạo
với mọi người, không chỉ trích hay bàn bạc về quốc chính, luôn luôn
biết thế nào là đủ.