Với quan điểm như vậy, Vương Tiễn được hầu hết quần thần yêu
mến và kính trọng. Trải qua 8 năm khi Tần vương Doanh Chính ngồi
trên ngai vàng, ông ta đã 21 tuổi, tức đã được nắm đại quyền, không
cần tới Trọng phu Lã Bất Vi nữa. Tần vương Chính nắm đại quyền rồi
liền hạ lệnh tiến đánh nước Triệu, trước tiên là tỏ thiên uy, sau nữa
muốn tiếp nối tham vọng của các tiên vương nhà Tần trước kia đã bỏ
lỡ cơ hội.
Tần vương Doanh Chính định cử Vương Tiễn làm Đại tướng
nhưng Lã Bất Vi gạt đi. Nguyên trước đó khi Bàng Noãn kêu gọi các
nước hợp tung đánh Tần, phong cho Xuân Thân quân làm chủ tướng,
Hoàng Yết của Sở làm Phó tướng, theo toan tính đồng lượt tấn công
Hàm Cốc. Thế nhưng Hoàng Yết kiêu căng tự phụ, cho rằng nên đánh
vào chỗ yếu của địch mới thắng, tự ý dẫn quân Sở đánh vào Đông
Quan. Nhìn rõ sự bất đồng của đối phương, Vương Tiễn liền hiến kế
cho Lã Bất Vi cứ nhắm vào quân Sở mà đánh, chỉ cần Sở thua là mấy
nước kia tự tan vỡ. Lã Bất Vi nghe theo, sai Mông Ngao, Vương Tiễn,
Hoàn Xỉ, Lý Tín, Nội sử Đằng đem quân chống cự. Hoàng Yết chưa
ra quân nhưng được mật báo tin này, hết sức kinh sợ không chịu tiến
nữa, thành ra mưu đồ hợp tung của Bàng Noãn chưa thực hiện thì đã
tan vỡ, đành thở than rồi cùng quân các nước kéo về. Sau này Sở
vương trách mắng Hoàng Yết rất dữ nhưng sự việc đã xong, không
còn làm gì được nữa.
Lần đó Vương Tiễn không phải đánh một trận nào nhưng vẫn có
công lao rất lớn nên Tần vương mới tin dùng, định sai ông làm Đại
tướng đánh Triệu. Không phải Lã Bất Vi ghét bỏ Vương Tiễn mà cho
rằng việc đánh Triệu không khó khăn gì, chỉ cần các tướng nhỏ như
Mông Ngao, Trương Đường, Vương Hạt là đã đủ sức đối phó với các
tướng của Triệu rồi. Vì vậy Tần vương chia quân làm hai đường, một
do Mông Ngao làm chủ tướng, Trương Đường làm phó tướng; đường
khác do Trường An quân Thành Kiệu (là con của Trang Tương vương,
dòng dõi chính thống họ Doanh) làm chủ tướng, Phàn Ô Kỳ làm phó