– Quân của đôi bên cùng tranh nhau chiếm đất, mà quân kẻ địch
lại đến trước, kiên trì cố thủ, luyện tập quân sĩ, hoặc cho quân ra tập
kích chúng ta, hoặc phòng thủ bằng kỵ binh thì chúng ta phải làm thế
nào?
Tôn Võ trả lời:
– Đánh chiếm đất đai là để cho kẻ địch những cái chúng có thể
lấy được và giành lấy những cái kẻ địch có thể mất. Khi kẻ địch đã
chiếm được một khoảnh đất nào đó thì chúng ta không nên khinh suất
mà đánh chiếm lại, mà phải dùng kế sách “hư trương thanh thế” rồi
nhắm vào chỗ yếu kém nhất của địch. Sau đó ngầm chia quân tinh
nhuệ ra mai phục. Địch sẽ sợ mất vùng đất hiểm yếu, tất đưa quân đến
cứu và rơi vào chỗ phục binh, như vậy mới có thể giành được chiến
thắng. Nếu chúng ta đến trước mà kẻ địch lại dùng phương pháp này
thì chúng ta có thể chọn quân tinh nhuệ cố thủ mảnh đất đó, rồi phái
quân truy kích quân địch và chia quân ra mai phục. Đợi đến khi kẻ
địch mang quân trở về ta đổ quân ra đánh, đó là đạo dùng binh chắc
thắng.
Ngô Vương hỏi tiếp:
– Chỗ vùng ranh giới giữa kẻ địch và ta, thì phải xây dựng những
công trình phòng thủ ở những chỗ hiểm yếu. Nhưng nếu ta chưa kịp
hoàn thành địch đã nhân thời cơ ấy mà tấn công, quân đôi bên lại
ngang sức nhau, vậy thì ta cần phải làm thế nào để chống đỡ?
Tôn Võ trả lời:
– Ta đã không thể tiến công, mà kẻ địch đến xâm phạm thì ta có
thể chia quân ra mà mai phục, số còn lại biểu lộ sự yếu kém để dụ địch
đánh thẳng vào đó, rơi vào vòng mai phục thì chắc chắn sẽ đại thắng.
Ngô Vương lại hỏi:
– Chỗ đường hành quân quan trọng, ta cần phải chiếm lấy trước
tiên. Nhưng nếu phía ta, đường xa lại xuất phát chậm hơn quân kẻ
địch, cho nên dù ngựa có phóng nước đại cũng không thể đến trước
được thì ta phải làm thế nào?