Tôn Võ trả lời:
– Địch cố thủ trong núi cao khe sâu hiểm trở, ta khó vượt qua,
như vậy là quân kẻ địch cùng đường. Phương pháp đánh hay nhất là
dùng quân tinh nhuệ mai phục, đồng thời cố ý để một đường thoát cho
địch, khi ấy địch sẽ không còn tinh thấn liều chết mà cố sức tìm sự
sống bằng cách theo đó mà thoát ra. Binh pháp có nói: “Nếu kẻ địch ở
vào tử địa, mà quân lính lại dũng cảm thì tốt nhất là phải để cho chúng
một con đường sống, tuyệt đối không nên dồn họ vào chỗ chết, càng
phải ngầm mai phục quân tinh nhuệ, đồng thời cắt đứt đường tiếp tế
lương thực của chúng, đợi tới khi chúng lọt vào ổ phục kích của quân
ta, ta bất ngờ xông ra đánh thì mới đạt được thắng lợi”.
Ngô Vương lại hỏi:
– Nếu kẻ địch kiêu căng dũng cảm, quân của chúng đông và
mạnh, thì ta phải làm thế nào để đánh bại chúng?
Tôn Võ trả lời:
– Chúng ta cần phải cố ý để lộ cho kẻ địch tưởng là ta yếu, từ đó
mà làm cho chúng thêm kiêu ngạo, lười nhác việc phòng thủ, tiếp đó
ta nhân lúc chúng chuyển quân mà bố trí quân mai phục, khi kẻ địch
đã lọt vào ổ phục kích, đầu đuôi không thể hỗ trợ được cho nhau thì ta
bất ngờ đánh chia cắt chúng ra thành từng khúc, kẻ địch tuy đông,
nhưng ta có thể đánh bại chúng, cần nhớ cách đánh kiêu binh trong
binh pháp là không được đánh trực diện”.
Nói chung, chắc chắn Ngô vương Hạp Lư hỏi Tôn Võ rất nhiều
về binh pháp và được trả lời trôi chảy nên cuối cùng mới hài lòng,
phong cho ông làm Nguyên soái. Tôn Võ cảm kích vì sự đối đãi trọng
hậu của Ngô vương, tự tay viết một cuốn binh pháp gồm 13 thiên, gọi
là “Tôn Tử binh pháp” mà ngày nay vẫn còn lưu truyền. Tuy ngắn gọn
chỉ có 13 chương nhưng “Tôn Tử binh pháp” hết sức súc tích, có thể
làm căn bản chiến đấu cho tất cả các thời đại, kể cả ngày nay với
nhiều loại vũ khí tối tân.