Tôn Võ trả lời:
– Các nước chư hầu đều có ranh giới tiếp giáp với nhau, ta có thể
phái sứ giả tới, mang theo tiền bạc lễ vật hậu để liên minh với các
nước xung quanh. Quân kẻ địch tuy đến trước nhưng chúng ta lại được
các nước giúp đỡ. Chúng ta có thể tuyển chọn, huấn luyện quân tinh
nhuệ, chiếm cứ các địa thế có lợi ở các nước xung quanh, đồng thời
chuẩn bị cho lương thực đầy đủ, quân ta thường xuyên cho người đi
do thám, xác định rõ thời cơ tấn công kẻ địch. Ta được các nước giúp,
nổi trống trợ chiến khi ta tấn công, làm cho kẻ địch hoang mang, thấy
bốn phía đều có kẻ địch, không biết đánh cách nào, như vậy thì chúng
ta chỉ đánh một trận là chiến thắng.
Ngô Vương hỏi tiếp:
– Quân ta ra khỏi ranh giới đóng trên quân địch. Quân địch kéo
đến khá đông bao vây chúng ta vòng trong vòng ngoài. Quân ta muốn
phá vây, mà tứ phía đều không có lối ra. Muốn khích lệ quân sĩ để họ
liều chết phá vây xông ra thì phải dùng biện pháp gì?
Tôn Võ trả lời:
– Phải đào hào sâu đắp lũy cao, tăng cường phòng thủ. Phải giữ
thật yên lặng, để che giấu thực lực của quân ta. Thông báo cho toàn
quân biết tình hình nguy cấp đó, sau đó giết bò đốt xe, cho quân sĩ ăn
no, đốt sạch lương thực, lấp giếng phá bếp, cắt tóc vứt mũ, để tỏ ý liều
chết. Tiếp đó, động viên quân sĩ một lòng quyết chiến một trận với
quân thù. Có thể một mặt, có thể tấn công hai bên, đánh trống vang
trời dậy đất là thanh thế. Như vậy sẽ làm cho kẻ địch hoảng sợ không
biết nên chống chọi thế nào. Đó chính là con đường rơi vào chỗ chết
mà tìm đường sống. Bởi vậy mới nói: “Khốn mà không có mưu thì
cùng, giỏi mưu thiện chiến thì ở vào chỗ chết nhưng cuối cùng vẫn
sống”.
Ngô Vương hỏi:
– Nếu gặp trường hợp ngược lại, ta đang bao vây quân địch như
vậy, thì cần làm thế nào?