chim nhỏ, liên tục hôn nhau một cách vồ vập. Nhưng sân chơi quá nhỏ, ánh
đèn lại quá sáng, nên bọn họ thấp thỏm ở đó được một lúc rồi đành chuyển
đi nơi khác. Có người định sử dụng nhà vệ sinh công cộng, nhưng phát hiện
cửa khóa, đành ủ rũ (hoặc đùng đùng nổi giận) quay đi. Cũng có tay cổ cồn
trắng hết giờ làm ngồi trơ trọi trên băng ghế, gục đầu bất động, chắc là để
tỉnh rượu. Hoặc có thể anh ta không muốn đi thẳng về nhà. Cũng có ông già
cô đơn nửa đêm dắt chó đi dạo. Cả chó lẫn ông già đều trầm mặc, thoạt
nhìn tựa hồ như mất hết hy vọng.
Nhưng hầu hết thời gian, sân chơi không một bóng người. Thậm chí
chẳng có lấy một con mèo chạy qua. Chỉ có ánh sáng vô danh tính của
ngọn đèn hơi thủy ngân chiếu lên xích đu, cầu trượt, hố cát, buồng vệ sinh
công cộng khóa cửa. Nhìn mãi một cảnh tượng như vậy, thỉnh thoảng
Aomame đâm có cảm tưởng như mình bị bỏ rơi trên một hành tinh không
người. Hệt như trong bộ phim miêu tả thế giới hậu chiến tranh hạt nhân. Bộ
phim tên là gì ấy nhỉ?
À, Trên bãi biển.
Mặc dù vậy, Aomame vẫn dồn toàn bộ tâm trí kiên trì canh chừng sân
chơi. Giống như người thủy thủ một mình leo lên cột buồm cao ngất canh
gác, dùng kính viễn vọng tìm kiếm đàn cá hoặc hình bóng chẳng lành giữa
biển cả mênh mang. Đôi mắt thận trọng của nàng chỉ kiếm tìm một thứ duy
nhất: bóng dáng Tengo.
Có lẽ Tengo sống ở nơi khác, đêm hôm ấy anh chỉ ngẫu nhiên đi qua chỗ
này. Nếu đúng thế thật, khả năng anh trở lại sân chơi này lần nữa gần như
bằng không. Nhưng Aomame cảm thấy không phải vậy. Khi Tengo ngồi
trên cầu trượt, trong cách ăn mặc hay cử chỉ của anh có gì đó khiến nàng
cảm nhận được rằng anh chỉ đang đi tản bộ quanh nơi ở. Trong lúc đi dạo,
anh tiện đường ghé vào sân chơi và trèo lên cầu trượt. Có lẽ để ngắm trăng.
Nếu vậy, hẳn anh phải ở gần đây, trong tầm có thể đi bộ tới được.
Ở khu Koenji, muốn tìm một nơi có thể ngắm trăng không phải dễ. Nơi
này hầu như bằng phẳng, gần như không có kiến trúc nào đủ cao để có thể
đứng lên nhìn trời. Thế nên cầu trượt trong sân chơi về đêm là một chỗ