được đối đãi đặc biệt. Song, cho dù có người rủ ngày Chủ nhật cùng đi đâu
đó chơi, hoặc mời đến nhà, anh cũng không thể nhận lời. Bởi Tengo hiểu
rõ, dẫu anh có nói với cha “Tuần này cả lớp đều đến nhà bạn nào đấy” thì
ông cũng chẳng thèm để ý. Xin lỗi, Chủ nhật tuần này không được rồi. Anh
chỉ có thể uyển chuyển từ chối như thế. Sau mấy lần liên tiếp, đương nhiên
chẳng còn ai mời anh nữa. Đến khi nhận ra, thì anh đã chẳng thuộc về
nhóm nào, luôn chỉ có một mình.
Ngày Chủ nhật, dù có xảy ra chuyện gì, anh cũng đều cùng cha đi theo
một tuyến đường nhất định để thu tiền cước từ sáng sớm đến tối mịt. Đây là
quy luật tuyệt đối, không thay đổi và cũng không có ngoại lệ. Cho dù anh
bị cảm ho sù sụ không ngớt, hay sốt cao, hay đau bụng tiêu chảy, cha Tengo
cũng không cho phép anh ở nhà. Những lúc như thế, anh thường loạng
choạng đi sau ông, trong lòng thầm nhủ: giá ngã lăn ra đây chết luôn đi có
phải tốt không. Như thế, có khi ít nhiều cha anh sẽ suy xét lại hành vi của
mình … rồi nghĩ có thể ông đã quá nghiêm khắc với con trai. Nhưng chẳng
rõ là may mắn hay bất hạnh, trời sinh ra Tengo rất khỏe mạnh, cường tráng.
Dù bị sốt, đau dạ dày, buồn nôn cũng chưa bao giờ ngã, cũng không một
lần ngất xỉu, luôn cùng với cha đi hết tuyến đường thu tiền dài dằng dặc.
Chưa bao giờ oán thán nửa lời.
Vào năm chiến tranh kết thúc, cha Tengo không một đồng xu dính túi từ
Mãn Châu trở về. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân Đông Bắc, là
con trai thứ ba, cùng một đám bạn đồng hương gia nhập “Đoàn khai thác
Mãn Mông”, vượt biển đến Mãn Châu. Ông không hề tin tưởng mù quáng
vào sự tuyên truyền của chính phủ rằng Mãn Châu là cõi thiên đường hạ
giới, đất đai phì nhiêu màu mỡ, đến đó là có thể sống giàu có sung túc.
Ngay từ đầu ông đã hiểu rõ, trên đời này chẳng có nơi nào gọi là thiên
đường hạ giới. Nhưng đói nghèo bức bách, ở lại quê hương thì chỉ có thể
sống lay lắt chờ chết đói. Vả lại nền kinh tế lúc đó đã quá tiêu điều, người
thất nghiệp đầy rẫy. Cho dù có lên thành phố cũng đừng hòng tìm được
việc làm. Trong hoàn cảnh ấy, con đường sống duy nhất là đến Mãn Châu.
Sau khi được huấn luyện cơ bản ở đoàn nông dân khai thác để có thể cầm