súng những lúc hữu sự, nhét vào đầu chút kiến thức tối thiểu về tình hình
nông nghiệp ở Mãn Châu, sau khi được tiễn đưa bằng ba tiếng hô vang vạn
tuế, bọn họ bỏ lại quê hương phía sau, rồi từ Đại Liên đi xe lửa đến biên
giới Mông Cổ. Ở đó, họ được phân ruộng đất, nông cụ và súng trường, bắt
đầu chung tay mở mang nông nghiệp. Đâu đâu cũng là đất cằn cỗi bạc màu
lổn nhổn đá vụn, đến mùa đông thì vạn vật biến thành băng. Vì không có gì
ăn nên cả chó hoang họ cũng xơi tất. Mặc dù vậy, do mấy năm đầu vẫn có
hỗ trợ của chính phủ, nên họ cũng có thể sống tạm qua ngày.
Tháng Tám năm 1945, khi cuộc sống cuối cùng cũng bắt đầu có dấu hiệu
ổn định, thì Liên Xô phá bỏ hiệp ước trung lập, tấn công toàn diện vào “Đế
quốc Mãn Châu”. Quân đội Liên Xô, sau khi kết thúc chiến tranh ở châu
Âu, dồn một lực lượng lớn sang Viễn Đông qua đường xe lửa Seberia, bày
binh bố trận để chuẩn bị băng qua biên giới. Cha Tengo được ngầm cho
biết tình thế cấp bách này từ một quan chức ông tình cờ quen biết, đã dự
đoán trước việc quân Liên Xô sẽ tấn công. Quan chức kia còn nói nhỏ với
ông rằng quân Quan Đông đã yếu thế tới mức không thể cầm cự với đối
phương, cho nên tốt nhất là nên chuẩn bị tháo chạy, càng nhanh càng tốt, dù
tay trắng cũng phải chạy. Vì vậy, tin tức quân đội Liên Xô vượt qua biên
giới vừa truyền đi, ông đã cưỡi con ngựa chuẩn bị từ trước phi thẳng đến ga
xe lửa, chen lên đoàn tàu cuối cùng chạy về Đại Liên. Trong số những
người cùng đi năm đó, chỉ mình ông duy nhất sống sót trở về Nhật Bản.
Sau chiến tranh, cha Tengo tới Tokyo, buôn bán kiểu chợ đen, rồi học
nghề mộc, nhưng chẳng việc nào thành công, chỉ là cố nhét cho đầy bụng.
Mùa thu năm 1947, khi đang làm người giao hàng cho một quán ăn nhỏ
Asakusa, tình cờ ông gặp lại người quen cũ ở Mãn Châu bên đường, chính
là vị quan chức đã rỉ tai cho ông biết tin Nhật – Xô sắp sửa khai chiến năm
đó. Ông ta được điều đến Mãn Châu và làm trong ngành bưu chính, giờ về
Nhật Bản làm công chức trong Đệ tín tỉnh
nơi ông ta công tác từ trước.
Có lẽ vì tình đồng hương, hơn nữa ông kia cũng biết cha Tengo là người
chịu thương chịu khó, nên rất quý mến, bèn mời đi ăn cơm.