“Có lẽ vậy,” Aomame nói.
“Thế thì, sau khi làm chuyện đó, nói thế nào nhỉ, có lẽ những quang cảnh
thường ngày cô nhìn thấy sẽ hơi khác lúc bình thường một chút. Tôi cũng
từng có kinh nghiệm như vậy rồi. Nhưng mà, đừng để vẻ bề ngoài đánh
lừa. Hiện thực lúc nào cũng chỉ có một mà thôi.”
Aomame nghĩ ngợi giây lát về những điều bác tài vừa nói. Trong lúc
nàng mải suy nghĩ, bản nhạc của Janáček cũng vừa kết thúc. Khán giả lập
tức vỗ tay không ngớt. Có lẽ đài phát lại một buổi thu âm chương trình hòa
nhạc ở đâu đó. Trong tiếng vỗ tay nhiệt liệt kéo dài, thoảng còn nghe thấy
cả tiếng reo hò nữa. Trước mắt Aomame hiện ra hình ảnh người nhạc
trưởng đang mỉm cười cúi mình mấy lượt trước các khán giả đang đứng vỗ
tay. Ông hếch mặt lên, giơ cao tay, bắt tay nghệ sĩ violon một, rồi xoay lưng
về phía khán giả, lại giơ hai cánh tay lên cao khen ngợi toàn thể dàn nhạc,
tiếp đó ông lại quay về phía khán giả, lại cúi mình thật sâu thêm một lần
nữa. Nghe một lúc lâu, dần dần cô cảm giác đó không phải là tiếng vỗ tay
nữa, mà giống như cô đang lắng nghe âm thanh dai dẳng không dứt của
một trận bão cát trên sao Hỏa.
“Hiện thực lúc nào cũng chỉ có một mà thôi,” bác tài chầm chậm lặp lại,
như thể đang gạch chân một đoạn quan trọng trong cuốn sách.
“Đương nhiên rồi,” Aomame đáp. Đúng như lời bác tài nói. Một vật thể,
trong một thời gian, chỉ có thể tồn tại ở một địa điểm. Điều này đã được
Einstein chứng minh. Hiện thực bao giờ cũng vô cùng vắng lặng, vô cùng
cô độc.
Aomame chỉ vào dàn hifi trên xe. “Chất lượng âm thanh tốt lắm.”
Bác tài gật đầu. “Cái ông viết bản nhạc này tên là gì ấy nhỉ?”
“Janáček.”
“Janáček,” bác tài nhắc lại, tựa hồ như đang học thuộc một đoạn ám hiệu
quan trọng, sau đó gạt cái lẫy mở cửa sau: “Chúc thuận buồm xuôi gió. Hy
vọng cô đến kịp giờ hẹn.”