Xem qua các nhan đề, có vẻ như giới truyền thông đang tập trung vào
những chuyện như cha của Fukaeri từng là nhà hoạt động cực đoan nổi
tiếng, Fukaeri lớn lên trong công xã cách biệt với thế giới bên ngoài giữa
vùng núi sâu tỉnh Yamanashi, hiện giờ người giám hộ của cô là Thầy giáo
Ebisuno (từng là nhân sĩ nổi tiếng). Vả lại, cho dù chưa rõ tung tích hiện
nay của tác giả nữ trẻ măng, xinh đẹp, bí ẩn này, doanh số Nhộng không
khí chỉ tăng chứ không giảm. Chỉ những chuyện ấy thôi cũng đủ thu hút sự
chú ý của mọi người.
Thế nhưng, nếu vụ Fukaeri mất tích cứ tiếp tục kéo dài, sớm muộn gì
công việc điều tra cũng sẽ được mở rộng. Chừng đó, sự việc có thể sẽ trở
nên phiền phức. Chẳng hạn, nếu có ai đấy đến ngôi trường Fukaeri từng
học mà điều tra, rất có thể họ sẽ phát hiện được chuyện cô mắc chứng khó
đọc và do vậy gần như không đi học. Thành tích môn quốc văn, các bài tập
làm văn của cô gái (giả dụ cô có viết ra những thứ ấy) có thể sẽ bị bóc trần.
Đương nhiên, rồi người ta sẽ đâm nghi vấn: “Một thiếu nữ mắc chứng khó
đọc mà lại viết ra được những dòng văn đẹp như thế thì phải chăng hơi bất
bình thường?” Đã đến nước ấy thì không cần phải có trí tưởng tượng thiên
tài cũng có thể đưa ra giả thiết “không khéo lại có người viết thay cũng
nên”.
Người đứng mũi chịu sào đón nhận sự nghi ngờ này là Komatsu. Anh ta
là biên tập viên chính của Nhộng không khí, mọi sự vụ liên quan tới việc
xuất bản cuốn sách đều do anh ta phụ trách. Nhưng chắc chắn Komatsu sẽ
phủ nhận sạch trơn. Hẳn là, mặt lạnh như tiền, anh ta sẽ lớn tiếng tuyên bố
mình chỉ chuyển bản thảo được tác giả gửi đến cho hội đồng giám khảo,
bản thân anh ta hoàn toàn không liền quan gì đến quá trình sáng tác của tác
giả hết. Komatsu rất giỏi nói dối mà mặt không đổi sắc, cho dù các biên tập
viên kinh nghiệm lão làng ít nhiều đều rèn được bản lĩnh này. Chắc khi vừa
mới khăng khăng mình chẳng biết gì xong là anh ta sẽ gọi điện ngay cho
Tengo: “A lô, cậu Tengo à, lần này thì nước dâng đến cổ rồi,” chẳng khác
nào anh ta thích thú cái tai họa ập xuống đầu ấy lắm vậy.