Chương 5: Aomame – Một Nghề Cần Đến Kỹ
Năng Chuyên Môn Và Sự Huấn Luyện
Làm xong việc, Aomame đi bộ một quãng, sau đó bắt taxi, đến một
khách sạn lớn ở Akasaka. Trước khi về nhà ngủ, nàng cần đến chất cồn để
giảm bớt căng thẳng cho hệ thần kinh. Nói sao thì nàng cũng vừa mới tiễn
một gã sang thế giới bên kia. Mặc dù đó là một tên khốn chết cũng không
hết tội, nhưng con người thì vẫn là con người thôi. Trên tay nàng vẫn còn
đọng lại cái cảm giác khi sự sống từ từ tan biến ấy: thở hắt ra một hơi cuối
cùng, linh hồn rời khỏi thể xác. Aomame đã đến quán bar trong khách sạn
đó mấy lần, ở trên nóc tòa nhà cao tầng, cảnh trí đẹp, quầy bar cũng dễ
chịu.
Lúc nàng bước vào trong quán thì đã hơn bảy giờ. Một đôi song tấu
piano và guitar trẻ tuổi đang chơi bài “Sweet Lorraine”. Tuy bắt chước theo
bản ghi cũ của Nat King Cole, nhưng cũng không tệ. Nàng đến ngồi trước
quầy bar như thường lệ, gọi Gin Tonic và một đĩa quả hồ trăn. Khách vẫn
còn khá vắng. Một đôi vợ chồng trẻ vừa ngắm cảnh đêm vừa uống cocktail.
Bốn người mặc đồ tây hình như đang bàn chuyện làm ăn. Một đôi vợ chồng
trung niên người nước ngoài tay cầm ly Martini. Nàng chầm chậm uống ly
Gin Tonic, không muốn say sớm quá. Đêm vẫn còn dài.
Nàng lấy sách trong túi ra đọc. Cuốn sách viết về đường sắt Mãn Châu
thời kỳ thập niên ba mươi của thế kỷ 20. Đường sắt Mãn Châu (Công ty cổ
phần đường sắt Nam Mãn Châu) được khai sinh một năm sau chiến tranh
Nhật – Nga kết thúc, theo hình thức Nga chuyển nhượng tuyến đường sắt
và các quyền lợi liên quan cho phía Nhật Bản. Quy mô của tuyến đường
này nhanh chóng được mở rộng, mở ra con đường thuận tiện cho đế quốc
Nhật Bản xâm lược Trung Quốc, rồi bị quân đội Xô Viết phá tan vào năm
1945. Trước khi chiến tranh Đức – Xô bùng nổ năm 1941, đi tuyến đường
này rồi chuyển sang tuyến Tây Berlin, từ Shimonoseki của Nhật Bản có thể
đến Paris trong mười ba ngày.