Xerox là công ty về máy photocopy đầu tiên và rồi lại cố gắng lao vào
kinh doanh máy vi tính. Hai mươi lăm năm sau đó, dù tiêu tốn 2 tỷ USD
nhưng Xerox vẫn không đi được tới đâu trong lĩnh vực máy vi tính.
Bạn muốn thay đổi một từ nào đó trên máy vi tính, chỉ cần đánh chồng
lên (overwrite) hoặc xóa (delete) đi mà thôi. Bạn muốn thay đổi một tâm trí
thì quên chuyện đó đi. Một khi ý nghĩ đã được hình thành, rất hiếm có thể
thay đổi hay có thể nói là không thể thay đổi được. Trong tiếp thị, bạn sẽ phí
sức khi cố công thay đổi một nhận thức đã được hình thành trong tâm trí
khách hàng.
Điều đó nói lên bí mật của một quan niệm có thể hiện ra chớp nhoáng
trong đầu của con người. Hôm nay, bạn chưa hề nghe nói đến một người.
Ngày mai, người đó trở nên nổi tiếng.
Cái “cảm giác chớp mắt” này không phải là một hiện tượng bất thường.
Nếu bạn muốn tạo ra một ấn tượng sâu sắc cho một người nào đó, bạn
không thể lách vào trong tâm trí họ và rồi từ từ tạo ra một quan niệm thuận
lợi theo thời gian. Tâm trí không hoạt động theo cách ấy. Bạn phải nhảy bổ
vào tâm trí.
Lý do bạn phải nhảy bổ vào thay vì luồn lách bởi lẽ người ta không thích
thay đổi suy nghĩ của mình. Một khi họ đã có ấn tượng như thế nào thì nó là
như vậy. Họ nghĩ bạn là loại người như thế nào thì ghi vào tâm trí. Bạn
không thể trở thành một người khác trong tâm trí cuả họ.
Một trong những bí quyết của tiếp thị là vai trò của tiền bạc. Có lúc, với
một ít đô-la có thể tạo ra một phép lạ. Ngày kế tiếp, hàng triệu đô-la cũng
không thể cứu vãn một công ty đang xuống dốc. Khi có một cái đầu tốt, dù
với một ít tiền bạn cũng tiến thật xa. Hãng Apple đã bay cao trong lĩnh vực
vi tính với 91.000 USD đóng góp của Mike Markkula.
Tên Apple đã lọt vào tâm trí khách hàng bởi vì đó là một cái tên giản dị
và dễ nhớ. Mặt khác, các đối thủ của Apple lại có các tên phức tạp, khó nhớ.
Đầu tiên, có năm hãng máy tính cá nhân cùng lao vào một lúc: Apple II,
Commodore Pet, IMSAI 8080, MITS Altair 8800 và Radio Shack TRS-80.
Bạn hãy tự hỏi cái tên nào đơn giản và dễ nhớ nhất?