và những người tham gia vào thị trường tự do kia cũng có động cơ chính trị
như bất cứ ai. Chiến thắng được ảo tưởng rằng có cái gọi là “thị trường tự
do” theo định nghĩa khách quan là bước đầu tiên để hiểu được chủ nghĩa tư
bản.
Lao động phải được tự do
Năm 1819, pháp chế quy định về lao động trẻ em thuộc Đạo luật đối với các
Nhà máy Bông đã được đưa ra thảo luận tại Quốc hội Anh. Quy định được
đề xuất là “cú chạm nhẹ” của những chuẩn mực hiện đại. Quy định này cấm
sử dụng lao động trẻ em dưới 9 tuổi. Trẻ em lớn hơn (từ 10 đến 16 tuổi) vẫn
được phép làm việc nhưng thời gian làm việc tối đa là 12 tiếng một ngày
(vâng, họ đã thực sự đối xử tốt hơn đối với những đứa trẻ này). Những quy
định mới chỉ áp dụng cho các nhà máy bông, nơi bị phát hiện là làm tổn hại
nghiêm trọng đến sức khỏe của người lao động.
Đề xuất này đã gây ra tranh cãi lớn. Những người phản đối cho rằng quy
định này sẽ ngầm phá hoại tính thiêng liêng của quyền tự do ký kết hợp
đồng và như vậy là phá hoại nền tảng của thị trường tự do. Trong quá trình
tranh luận về pháp chế này, một vài Thượng nghị sỹ đã phản đối pháp chế
này với lý do rằng “lao động phải được tự do”. Lý lẽ mà họ đưa ra là: trẻ
em muốn (và cần) làm việc, và các chủ nhà máy muốn thuê họ; vậy vấn đề
là gì?
Ngày nay, ngay cả những người đề xướng nhiệt huyết nhất của thị trường tự
do ở Anh hoặc các nước giàu có khác cũng không nghĩ đến việc đưa lao
động trẻ em trở lại với tư cách là một phần trong quá trình tự do hóa thị
trường dù họ rất muốn. Tuy nhiên, cho đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX,
khi những quy định nghiêm túc đầu tiên về lao động trẻ em được áp dụng
tại Châu Âu và Bắc Mỹ, rất nhiều người có địa vị xã hội quan trọng đã đánh
giá rằng quy định về lao động trẻ em là đi ngược lại các nguyên lý của thị
trường tự do.