Tất cả những điều này không có nghĩa là chúng ta phải đặt mình vào vị trí
của người theo chủ nghĩa tương đối và không thể phê phán bất cứ ai về bất
cứ điều gì đang diễn ra. Chúng ta có thể có (và chính tôi cũng có) một quan
điểm riêng về việc chấp nhận các tiêu chuẩn lao động đang phổ biến khắp
Trung Quốc (hoặc bất kỳ một quốc gia nào khác) và cố gắng làm một điều
gì đó để cải thiện vấn đề này mà không tin rằng những người có quan điểm
khác là sai hoàn toàn. Mặc dù Trung Quốc không thể trả mức lương như
Mỹ hay tạo được điều kiện làm việc như ở Thụy Điển nhưng chắc chắn
nước này có thể cải thiện được mức lương và điều kiện làm việc cho công
nhân. Thực ra, nhiều người Trung Quốc không chấp nhận những điều kiện
đang phổ biến và yêu cầu những quy định cứng rắn hơn. Nhưng học thuyết
kinh tế (ít nhất là kinh tế thị trường tự do) không thể chỉ cho chúng ta biết
mức lương và điều kiện làm việc “hợp lý” ở Trung Quốc là như thế nào.
Tôi không tin chúng ta đang ở Pháp nữa
Vào tháng 7 năm 2008, với một hệ thống tài chính quốc gia đang bị phân rã,
chính phủ Mỹ đã rót 200 tỉ đô la vào Fannie Mae và Freddie Mac, hai tập
đoàn cho vay thế chấp và quốc hữu hóa chúng. Chứng kiến sự việc này,
Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa bang Kentucky, Jim Bunning đã kịch liệt
phản đối hành động này như là một sự kiện chỉ có thể xảy ra tại một nước
“xã hội chủ nghĩa” như Pháp.
Pháp đã đủ tồi tệ, nhưng vào ngày 19 tháng 9 năm 2008, đất nước thân yêu
của Thượng nghị sỹ Bunning cũng đã bị chính nhà lãnh đạo của Đảng Cộng
hòa chuyển thành “Đế chế Ma Quỷ”. Theo kế hoạch được Tổng thống
George W. Bush tuyên bố vào ngày hôm đó và một chương trình có tên là
“Chương trình Giải cứu Tài sản xấu” (TARP), chính phủ Mỹ đã định sử
dụng 700 tỷ đô la từ tiền thuế để mua lại những “tài sản xấu” đang bóp
nghẹt hệ thống tài chính.
Tuy nhiên, Tổng thống Bush không nhìn nhận các vấn đề theo hướng đó.
Ông cho rằng kế hoạch này đơn giản chỉ là một sự kế thừa hệ thống doanh