sắm được chiếc đò máy và đến năm sau, thầy đâm đơn lên quan trên để xin
từ chức, dưỡng già.
Sở dĩ nãy giờ chúng tôi đi hơi xa vấn đề là cốt ý giúp độc giả hiểu tối
thiểu về lối sinh hoạt của một số người khá đông sống bằng nghề phá củi
lậu thuế thời Pháp thuộc.
Anh Tư Hưng ở trong số người ấy.
Qui mô làm ăn của anh so với xóm trên kia thì nhỏ bé hơn nhiều. Anh
đã được người bạn giới thiệu vào kinh Mười Lăm. Ở đấy, chỉ có bốn gia
đình, thêm anh nữa là năm. Nhờ họ khéo che đậy bằng hình thức giăng câu
bắt rắn, nên lính kiểm lâm thời đó ít chú ý.
Hừng sáng, họ đi vào rừng đốn củi. Gạp cây nào to lớn, ngay thẳng họ
hạ xuống lột vỏ, ngâm bùn chôn giấu để làm cột nhà, bán với giá đắt hơn.
Cứ mười bữa, họ cho người chở củi ra chợ Thới Bình giao cho nhà vựa củi.
Vựa này có giấy phép của nhà nước. Ðường đi thật gay go. Lắm khi họ
phải chịu trần truồng nhảy xuống bùn, đẩy xuồng củi xuyên qua rừng hàng
năm, ba cây số. Ðêm hôm tăm tối, họ phải nhìn hướng sao trên trời mà đi.
Lắm khi đi lạc đàng trở về xóm cũ, họ chờ ngày khác. Mùa mưa thì trên
rừng có nước, việc đi lại tương đối dễ. Qua mùa hạn, muốn buôn bán lậut
huế như vậy phải vác củi đi qua nhiều khu rừng nổi tiếng có rắn và cọp.
Sống như vậy lâu ngày, anh Tư Hưng lần lần mến người mến cảnh.
Ngày nào bán được củi là nhóm người nọ chở về một xuồng đầy gạo,
đường, trà, vải.
Lúc nào bán được một bộ cột nhà thì đó là phần thưởng chung. Họ mở
tiệc ăn uống suốt ngày, thâu đêm, mời người ở xóm khác tới dự. Anh Tư
Hưng thích dự những cuộc ăn uống đó.
Ðây là Hai Ðẹt, người đã từng nhậu ba lít rượu đế với ba yến khô cá
sặc rằn.
Ðó là Bảy Vĩnh, người hồi tháng trước đã ăn một lượt ba kí-lô mỡ heo
luộc chín, chấm với muối ớt. Sau khi ăn xong, anh còn đòi uống thêm bốn
gáo nước lạnh.
Lại còn Tư Cần, đối thủ lợi hại của Bảy Vĩnh, Chính Tư Cần đã ăn
bốn chục viên bánh xôi nước và một con vịt luộc, Bảy Vĩnh đáp lại, sẵn