gấp tư. Nhưng họa vô đơn chí, vì chở quá cao nên khi ghe đến Cần Thơ thì
bị sóng đánh chìm...
Nghĩ rằng đã đến lúc mặt vận, anh Tư bèn lên chợ tìm nhà anh em bạn
quen nhờ bảo lãnh để mướn chiếc xe kéo. Không còn cách nào nhắn tin về
gia đình lão Bích, anh hằng yên tâm suy nghĩ rằng:
- Năm xưa mình hứa một hai năm sau mới cưới cô Một. Chờ năm
mười tháng nữa, mình dành dụm số tiền mọn trở về rừng cũng không thất
hẹn.
Như chim gãy cánh, vào một chiều tháng ba năm sau, anh Tư cùng
một người bạn ở Cần Thơ trở về kinh Mười Lăm để thăm viếng lão Bích và
cô Một.
Rừng tràm không có mùa hạ hay mùa thu rõ rệt. Mãn năm, luôn luôn
lá xanh tươi và lấm tấm vài chiếc lá vàng sắp rụng. Anh Tư và người bạn
hối hả bơi xuồng vào ngọn kinh. Lòng anh khấp khởi mừng thầm. Nhưng
dòng nước hôm nay có khác, nó chảy lờ đờ, trong veo không một miếng
xác mía, một manh lá chuối trôi ra. Ðiều ấy chứng tỏ không còn người nào
ở trong ngọn kinh.
Ðến xóm cũ thì hỡi ôi, ai nấy đều dời mất chỉ còn sót lại vài căn nhà
hoang xiêu vẹo, cất xa nền nhà lão Bích chừng non công đất. Hỏi ai bây
giờ? Cây cỏ toàn là lạ, căn nhà xưa đã đóng cửa. Anh in trí rằng gia đình
lão Bích đã dời đi nơi khác. Không còn đủ thời giờ để cho anh buồn tủi nữa
vì mặt trời sắp lặn sau rừng. Làm sao tìm chỗ ngủ gấp ở chốn rừng này?
Người bạn của anh quá nóng lòng đòi trở ra sông Cái, nhưng trở ra sao kịp?
Thôi thì đành đi sâu vào rừng tìm nơi nào có đất trống, có củi mục để đốt
ngừa rắn rít, cọp beo.
Anh Tư khuyên bạn nên vào gần rừng với anh để giấc ngủ bảo đảm
hơn. Cách đó không xa, đúng như anh ao ước, có một đống củi lớn chắc là
của ai đốn lậu thuế chưa kịp lưu đi.
Hai người trải nóp ra, nằm hút thuốc. Chập sau vì quá mệt mỏi không
ai bải ai họ chui vào nóp ngủ say.
Một tiếng hú lớn khiến cây cối vang dội. Anh Tư giật mình, hé nóp.
Bên ngoài trăng sáng vằng vặc, không biết rõ vào canh mấy, anh Tư lắng