Thiên hạ vẫn cho rằng những người thành công đều là những kẻ trơ
tráo, bất chấp tất cả. Điều ấy không đúng.
Thành công không phải là một bằng chứng tuyệt đối về phẩm hạnh của
con người. Ý nghĩ cho rằng sự thành công cần thiết căn cứ trên các tội lỗi
tinh thần là do ở chỗ xét người theo dư luận của phe thù nghịch người ấy.
Những quan tòa thực sự xét về tính hạnh của một người thành công chính là
những kẻ đã làm việc với người ấy. Nếu họ nói tốt, thì chắc hẳn người ấy
không đến nỗi nào.
Người thất bại, trái lại bao giờ cũng được cảm tình của những kẻ đã
đánh ngã y, vì lẽ y là một chứng cớ cho sự chiến thắng của họ chứ không
phải là một trở ngại.
Đức tính thứ hai, là biết thương người. Trong tình thương có cả sự độ
lượng và bác ái. Có nhiều cách để cho người giàu muốn chứng tỏ sự biết ơn
những ân huệ mà y được hưởng. Trong lúc theo đuổi hạnh phúc, y đừng nên
bỏ qua một dịp nào hiện ra trước mắt. Điều đó sẽ khiến y giúp đỡ những
người khác đạt đến hạnh phúc mà tất cả mọi người đều mong.
Nhún nhường là một đức tính khó đạt được nhất. Hình như trong bản
chất con người kinh doanh có một cái gì đã ăn sâu chống đối lại sự nhún
nhường. Nghề nghiệp căn cứ trên sự đấu tranh, can đảm và chinh phục hình
như thúc đẩy người thành công đâm ra ngạo mạn.
Chính tôi cũng không dám tự cho mình là kẻ nhún nhường nhưng tôi có
thể thú nhận rằng, khi nào đạt được thì sự nhún nhường sẽ là nguồn hạnh
phúc đối với tôi. Nhiều ví dụ chứng tỏ rằng sự thành công và nhún nhường
không đi đôi với nhau. Khó mà hòa hợp được hai trạng thái đối nghịch này,
nhưng không có sự khó khăn nào đối với con người quyết tâm.
Điều dễ hiểu là sau nhiều năm ở địa vị chỉ huy, rốt cuộc người ta dễ có
những thái độ độc đoán. Nhưng con người ấy đừng nên mù quáng trước lỗi
lầm và cần phải tự đề phòng. Dù cho y có thể đi đến chỗ sa ngã, đừng bao
giờ y xem là đã thua cuộc.