Ít lâu sau đó tôi cho Khách bộ hành kia đi bộ và khi rẽ vào một góc
phố thì anh gặp một cô gái trẻ tên Clarisse McClellan, cô hít một hơi dài rồi
nói, "Em biết anh là ai do cái mùi dầu hỏa. Anh là người đốt sách."
Chín ngày sau cuốn tiểu thuyết được hoàn tất.
Thật tuyệt vời khi ở dưới tầng hầm thư viện, tất tả chạy lên chạy
xuống cầu thang, tự tiếp thêm cho mình nguồn sinh lực nhờ chạm vào và
nghe mùi những cuốn sách tôi đã biết và những cuốn sách mà mãi đến lúc
ấy tôi mới biết.
Khi bản thảo đầu tiên của cuốn tiểu thuyết đã xong, tôi chẳng rõ
mấy rằng mình đã làm gì. Tôi biết nó đầy những ẩn dụ, nhưng cái từ ẩn dụ
không nảy ra trong đầu tôi vào quãng đời đó của tôi. Chỉ về sau tôi mới biết
từ ấy và nhận ra rằng khả năng thâu thập ẩn dụ của mình lại hoàn hảo như
vậy.
Trong những năm viết vở kịch hai hồi và sau đó là vở opera, tôi để
cho các nhân vật nói cho tôi biết về những chuyện trong đời họ mà trong
sách không có.
Tôi đã rất muốn quay trở lại chêm các chuyện thực đó vào văn bản
cũ, nhưng đó là một việc nguy hiểm mà các nhà văn phải cự tuyệt. Những
chuyện thực ấy, dẫu quan trọng, song có thể làm hỏng những tác phẩm đã
hoàn thiện từ nhiều năm trước.
Trong khi tôi viết vở kịch, vị đội trưởng lính phóng hỏa của tôi,
Beatty, kể cho tôi nghe tại sao ông trở thành người đốt sách.
Ông từng có thời là kẻ lang thang khắp các thư viện, yêu những thứ
văn chương đẹp nhất trong lịch sử. Nhưng khi cuộc sống thực khiến ông
thấy mình như chẳng còn giá trị gì, khi bè bạn chết, khi tình yêu dang dở,
khi có quá nhiều cái chết quá nhiều tai nạn vây quanh, ông phát hiện ra
rằng niềm tin của mình vào sách đã sụp đổ vì sách không thể giúp ông khi
ông cần được giúp.