“Chiến tranh ở Việt Nam ạ.”
“Thế mà tôi chẳng biết gì cả. Đầu tiên cậu phải được thầy hướng dẫn báo
chí cho phép. Rồi thầy hướng dẫn nói chuyện với tôi mới được chứ. Đâu
phải chuyện gì cậu cũng tự ý quyết định được.”
Ở Kyushu và chắc chỗ khác cũng vậy thôi. Ban báo chí của trường trung
học luôn là nơi tụ tập của những phần tử nổi loạn. Và ở trường tôi các câu
lạc bộ không được liên hệ chặt chẽ với nhau. Nỗi sợ hãi lớn nhất của các
thầy là thấy học sinh kết bè kết phái. Ngay cả thành viên câu lạc bộ báo chí
của trường muốn làm một việc tưởng như vô hại nhất là thu thập thông tin
thì đầu tiên cũng phải thông qua giáo viên hướng dẫn. Việc thu thập thông
tin không chính thức tuyệt đối bị cấm. Hội đồng sinh viên cũng không làm
gì được. Nhà trường dùng luật dựa trên sự phục tùng của hội đồng sinh viên
để làm ra vẻ như chính chúng tôi đề ra luật ấy vậy. Quản chế chẳng khác gì
nhà tù. Một bầy đàn bị quản chế theo luật quân sự. Thật kinh tởm.
“Dạ, vậy thì thực ra em không đến đây để viết báo gì cả ạ.”
“Vậy thì đến làm gì?”
“À, dạ. Em chỉ đến nói chuyện chơi thôi.”
“Em không thấy chúng tôi ai cũng bận cả sao? Làm gì có thời gian nói
chuyện chơi với em?”
Trong phòng, các cô gái đang cắt giấy để in sao kịch bản. Tiếng giấy
nghe loạt soạt. Một nửa thì tảng lờ, nửa kia chăm chú nhìn tôi và thầy
Yoshioka. Tựa bút vào má, Kazuko Matsui nhìn chúng tôi. Ôi đôi mắt nai
Bambi ngơ ngác. Đôi mắt gây bao nhiêu sóng gió trên tình trường.
Tôi nhếch mép cười và nói: “Thật nực cười.” Yoshioka sửng sốt: “Em
vừa nói gì đấy?” “Shakespeare là cái gì? Mỗi ngày có hàng ngàn người
đang chết ở Việt Nam, trong khi đó thì thầy diễn kịch Shakespeare. Thầy
không thấy nực cười sao, thầy Yoshioka?”
“Cái gì?”
“Thầy thử nhìn ra cửa sổ xem. Chiến hạm Mỹ ngoài cảng kia giết người
mỗi ngày đấy thầy ạ.”