sự may mắn cho anh rồi. Mỗi lần nhìn thấy con chó, anh đều thấy xót xa.
Và Viễn trốn tránh sự thực bằng cách tránh không gặp nó nữa.
- Mày khổ lắm phải không? Tao xin lỗi. – Viễn thấy gò má mình ướt
lạnh và con Vích lại thể hiện sự an ủi quen thuộc bằng động tác của loài
chó.
Viễn choàng tay lên người nó, gãi lớp da cổ bẩn thỉu đầy chấy rận và
áp miệng vào cái tai ủ rũ.
- Tao cũng thế, còn khổ hơn mày. – Viễn thì thầm. – Nếu mày đau
đớn, mày còn có thể kêu lên được.
Có thể vì cuộc gặp sáng nay đã gợi lại tình cảm lạ kỳ giữa anh và con
Vích mà giờ nó mới rền rĩ thảm thiết. Rất nhiều lần, vợ anh yêu cầu tống cổ
con chó đi mặc dù nó chẳng liên quan hay ảnh hưởng gì đến thị. Thị chỉ lấy
lý do rằng nhìn con chó ghẻ lở lởn vởn ở một khu dân cư cao cấp thế này là
rất ngứa mắt.
- Rồi mấy hôm nữa Tết nhất, khách khứa đến thăm đông đúc, nó lại
tru lên như thế thì sao?
- Mọi năm nó có kêu gì đâu.
- Nhưng giờ nó đang rống lên rồi đấy thôi.
Viễn im lặng. Cậu sinh viên hôm nọ cũng vừa thông báo với anh rằng
cậu sắp phải trả nhà để đi thực tập, anh liệu tìm người để trông nom con
Vích.
- Mà nó già rồi, anh hóa kiếp cho nó đỡ khổ. – Cậu ta gợi ý.
Cái quắc mắt dữ tợn của Viễn khiến cậu ta cụp mắt xuống.
- Là em đùa thế.
Viễn vẫn hy vọng rằng sẽ có một cô sinh viên năm nhất nào đó đến thế
chỗ của cậu ta, và anh sẽ bằng mọi cách đàm phán về việc con chó. Nhưng
cho đến giờ thì sự thể đã khác. Viễn không thể giả điếc trước yêu cầu quái
ác của vợ anh.
Tuy nhiên, bẵng đi mấy hôm sau, Viễn không thấy thị kêu gào vì
chuyện con chó nữa. Phần vì con Vích chỉ cất tiếng kêu duy nhất có một
đêm hôm đó thôi và phần vì đã sát năm mới, thị có quá nhiều việc để làm.