Tôi thấy những người như Lý Thuyên đời vua Đường Huyền Tông, ưa
thích Đạo từ nhỏ, mới đầu Ông có được quyển Hoàng Đế Âm Phù Kinh,
Ông đọc cả ngàn lần mà vẫn không hiểu được thâm ý. Theo truyền thuyết
thì Ông đã tới Ly Sơn và đã được một bà cụ dạy cho huyền nghĩa Âm Phù,
Ông mới hiểu ý nghĩa Âm Phù. Sau đó Ông viết: Hoàng Đế Âm Phù Kinh
Sớ, 3 quyển, Thái Bạch Âm Kinh, 10 quyển, Ly Sơn Lão Mẫu truyền Âm
Phù huyền nghĩa, 1 quyển. Ông làm quan giữ chức Giang Lăng Tiết Độ Sứ
phó Ngự Sử Trung Thừa. Ông là người có mưu lược, sau đó vào danh sơn
qui ẩn, phục khí, tịch cốc, thanh tâm tu đạo, không rõ chết ra sao. Ông còn
viết thêm ít sách khác. (Xem Du Tấn, Trung Hoa Đạo Giáo Đại Từ Điển, tr.
97)
Tựa của Lưu Nhất Minh
Âm Phù Kinh chỉ có hơn 300 chữ, lời của nó sâu nhiệm, ý nghĩa nó tinh
vi. Nó sinh ra Hỗn Độn, phá vỡ Hồng Mông, diễn xuất những điều bí mật
của Tạo Hóa, triển khai những điều bí ẩn của Tính Mệnh. đó là một quyển
Chân kinh, dạy Tu Đạo hay nhất. Lục Long Mông đời Đường cho rằng
Hoàng Đế đã chép ra sách này.
Trần Uyên đời Tống rằng Hoàng Đế đã được Quảng Thành Tử truyền
cho.
Chu Hi cũng cho rằng sách là do Hoàng Đế viết.
Thiệu Khang Tiết cho rằng sách được chép vào thời Chiến Quốc.
Trình Y Xuyên cho rằng sách được chép vào thời Thương Mạt hoặc Chu
Mạt, mỗi người một ý.
Tôi lý luận như sau: Thế gian đều cho là Hoàng Đế đã viết ra sách này,
và xưa nay đều gọi là Âm Phù Kinh. Như vậy là do Hoàng Đế đã viết ra,
đến đời Đường Ngu, Hạ Thương thì nó được truyền sâu rộng.