hiện đúng thái độ của nhiều cầu thủ khác. Abramovich vô cùng
sửng sốt trước kiểu thất bại này đến mức không thể cầm được
nước mắt. Nhưng ông đã lấy được bình tĩnh khi bước vào phòng
thay đồ. Ranieri, lúc đó vô cùng hoang mang, liền cất tiếng chào
Abramovich và ngay lập tức giải thích lý do thay người và xin lỗi về
những gì ông đã nói trong cuộc phỏng vấn với tờ Marca. Abramovich
ôn tồn đáp lời rằng Ranieri không cần phải xin lỗi. Ông thậm chí
còn mời Ranieri trở lại chiếc du thuyền Le Grand Bleu uống rượu,
nhưng vị huấn luyện viên đã lịch sự từ chối, nói rằng ông muốn
nói chuyện với các cầu thủ về kết quả trận đấu trước khi ăn tối.
Ranieri tham dự cuộc họp báo sau trận đấu với thái độ như
thường lệ, nhưng nếu như trước đây ông có được sự kiềm chế khác
thường trước hàng núi những câu hỏi đầy vẻ khiêu khích thì giờ đây
đó chỉ là những lời thanh minh đầy tuyệt vọng. Ông phát biểu:
“Không còn nghi ngờ gì, đó là 45 phút tồi tệ nhất kể từ khi tôi cầm
quân ở Chelsea. Chúng tôi trông giống như đội bóng chỉ có 10 người
thi đấu và trong 15 phút cuối cùng đó, các cầu thủ của tôi đã phá
vỡ đội hình. Ai cũng đuổi theo bóng bởi chúng tôi muốn chiến
thắng. Khi họ bị mất một người, tôi đã tăng cường thêm tiền đạo
vì nghĩ rằng chúng tôi có thể thắng. Tôi phải thừa nhận trách
nhiệm của mình trong thất bại đó.” Sau trận đấu đó, Ranieri – vốn
được coi là một “báu vật quốc gia” của Anh – bị khắp nơi chế nhạo.
Tờ Daily Mail đổi biệt hiệu “Gã Thợ hàn” (Tinkerman) của ông thành
“Kẻ Khó ưa” (Stinkerman) và chạy dòng tít một bài báo viết về trận
đấu như thế này: “Claudio mạo hiểm và thổi bay tất cả”. Quan
điểm của tờ Daily Mail được tất cả các tờ báo khác chia sẻ.
Chỉ trước đó hai tuần thì mọi chuyện hoàn toàn khác. Khi
Abramovich đến sân vận động Highbury vào buổi tối thứ 3, ngày
mùng 6 tháng 4, hầu như không một ai dám hy vọng Chelsea sẽ
đánh bại Arsenal để giành một vé vào bán kết. Trong 17 lần gặp