với sự hiện diện của một con người rõ ràng có thế lực và ảnh hưởng
nhưng lại không có chức vụ chính thức. Vì vậy, ông đề nghị tân Tổng
thống xác định vai trò và vị trí cho cô. Việc này khiến Tổng thống
khó xử. Ông đã quen phụ thuộc vào ý kiến của cô con gái và không
muốn để cô ra đi, nhưng mọi việc sẽ thế nào nếu ông đưa cô vào
Chính phủ? Một ý tưởng lóe ra khi ông nhớ lại rằng đã có một tiền
lệ như vậy trong chính phủ Pháp. Tổng thống Jacques Chirac đã chỉ
định cô con gái Claude làm “cố vấn hình ảnh” cho mình. Yeltsin gọi
điện cho Chirac và thu xếp cho con gái của hai người gặp nhau và trò
chuyện. Dyachenko bay tới Paris và gặp Claude tại dinh thự chính
thức của Tổng thống Pháp. Hai người thảo luận về vai trò của nhau
và khi cuộc hội thoại trở nên gần gũi, Claude gợi ý họ cùng đến
“chào Papa”. Trong màn chào hỏi đó, cô con gái của Tổng thống Nga
chợt nhận ra cô đang thảo luận với chính Tổng thống Pháp về cuộc
gặp sắp tới của ông với cha mình.
Khi Dyachenko chính thức được bổ nhiệm vào điện Kremlin, sự bợ
đỡ bền bỉ của Berezovsky đối với cô bắt đầu được chứng tỏ là vô
cùng khôn ngoan. Bây giờ cô là nỗi sợ hãi của nhiều nhân viên cấp
dưới và được gán “mác” tsarevna, có nghĩa là hoàng hậu Nga. Cô
khuyến khích cha mình mặc comple hàng hiệu và cắt tóc kiểu cách
điệu, còn cô có vẻ cũng bắt đầu chăm chút cho bản thân. Ở tuổi 35,
Tanya là một phụ nữ hấp dẫn mặc dù trước đây cô không cố gắng
làm đẹp. Bây giờ cô bắt đầu xuất hiện với mái tóc nhuộm highlight
và thậm chí còn có tin đồn cô bắt đầu trang điểm.
Nếu Dyachenko là một tsarevna thì Berezovsky là một Rasputin.
Berezovsky biết rõ Yeltsin không tin cậy ông nhưng cũng biết Tổng
thống không tin cậy ai khác ngoài con gái mình và thông qua cô, ông
có thể đạt mục đích. Hạt giống mà ông gieo ở nơi Dyachenko đã nở
hoa khi chính sách tư nhân hóa của chính phủ được hoạch định, các
cuộc đấu giá được triển khai và các bộ trưởng được bổ nhiệm.