chí cả hắn, giờ đây bị lôi ra trước con mắt của đại chúng để tự nói
lên sự thật.
Hai tuần sau ngày trốn thoát, tôi quyết tâm chấm dứt mọi
đồn đoán và tự mình kể lại câu chuyện. Tôi đã chấp nhận ba cuộc
phỏng vấn: với Công ty Truyền hình Áo ABC, nhật báo lớn nhất
của Áo, tờ Kronenzeitung , và tạp chí News .
Trước khi thực hiện hành động liên quan đến đại chúng này, tôi
đã được nhiều người khuyên nên thay đổi tên và ẩn mình. Họ bảo
rằng nếu không tôi sẽ chẳng bao giờ có cơ hội sống một cuộc đời
bình thường. Nhưng cuộc sống kiểu gì mà lại không thể chường mặt
ra, không thể gặp gia đình và phải thay tên đổi họ? Đó là cuộc sống
kiểu gì, nhất là đối với một người như tôi, người mà suốt bao
nhiêu năm bị giam cầm đã phải chống chọi để không đánh mất
chính mình? Bất chấp sự bạo hành, biệt giam, bị nhốt trong bóng
tối và bao nhiêu sự hành hạ khác, tôi vẫn là Natascha Kampusch.
Cho nên giờ đây, sau khi đã thoát ra, không bao giờ tôi lại chấp nhận
từ bỏ điều quý giá nhất của mình: danh tính. Tôi đã đứng trước
máy thu hình với đầy đủ tên họ và gương mặt đích thực để kể lại
quãng thời gian tôi bị giam cầm. Nhưng bất chấp sự cởi mở của
tôi, giới truyền thông vẫn không buông tha. Hết tít này đến tựa
khác, các báo xuất hiện những đồn đoán ngày càng kỳ quặc. Dường
như sự thật khủng khiếp cũng chưa đủ với họ, dường như câu chuyện
phải được thêm thắt nhiều nữa đến mức không thể chịu được,
đến mức chính tôi cũng không đủ tư cách diễn dịch những gì mình
đã trải qua. Căn nhà mà tôi đã trải qua bao nhiêu năm niên thiếu giờ
đây bị vây quanh bởi những người hiếu kỳ. Mọi người đều muốn
nếm trải cái cảm giác của không khí tàn ác đến độ rùng mình. Đối
với tôi, nỗi kinh sợ tột cùng là một kẻ nào đó hâm mộ hắn một cách