kích động, ông hàng xóm nhảy dựng lên “Còn cô nữa ấy, lo mà thêm
đứa nữa đi”.
Lâu dần cứ nghe mãi cái điệp khúc “Khủng khiếp thật, một
đàn…”, tôi hết thấy buồn cười mà đâm ra suy nghĩ. Để tiện bề
thấu hiểu người khác, tôi bắt đầu đặt mình vào vị trí của “đối
phương”. Có lần tôi hỏi chị Vân dạy cùng khoa, người phụ nữ duy
nhất tôi biết có hai cậu con trai, đứa lớn vừa vào đại học, đứa nhỏ
bằng tuổi con gái tôi “Chị cảm thấy thế nào khi trong nhà có
những ba… gã đàn ông?”. Nàng cười méo mó “Cũng quen rồi, mình
cũng thành đàn ông nốt, đã thế lại còn toàn phải hầu chúng nó”.
Tôi hình dung giờ nếu mình cũng sống cùng hai cậu con trai, một
ông chồng, một ông bố chồng, thêm hai cậu em chồng nữa
(giống vị trí của ông chồng tôi bây giờ), tự dưng thấy rùng mình,
toàn thân vã mồ hôi hột vì viễn ảnh lần đầu tiên tưởng tượng ra.
Lúc ấy mới bỗng dưng thấy thương người sống trong hoàn cảnh
“thế giới không đàn ông”.
Vì nhà toàn nữ nên hành tung của ông chồng tôi cũng không
giống như bình thường. Trời nóng phát ngốt mà ở nhà lúc nào ổng
cũng bản bệ quần chùng áo dài y như đang bận tiếp khách quý.
Nếu muốn đi tắm, ổng cửa đóng then cài như tiểu thư đài các xứ A
rập. Lúc thay có cái quần dài thôi, ổng chui tọt vào phòng ngủ rồi
chốt cửa lại. Khi xem bóng đá, trận gay cấn nhất của chung kết
Euro hay Worldcup, ổng lủi thủi ngồi trong phòng kín rồi thi
thoảng kêu lên khe khẽ “Đá như thế thì về đi cho xong”. Có lúc
nghe rôm rả quá những câu bình luận mới giật mình ngó vào trong,
thấy hóa ra từ nãy “người cô độc” toàn nói chuyện một mình. Căn
bệnh “khép kín” của ổng từ lúc sinh con đâm thành phản xạ có điều
kiện đến nỗi có bận tôi đi làm về, thấy không ai ra mở cửa mới tự
mở khóa vào nhà rồi vừa thoáng chạm tay vào cửa buồng tắm đã
nghe từ bên trong quát ra thất thanh đầy sợ hãi “Ai đấy?”. Ổng