Động tác kết thúc dứt khoát của Hiểu Tranh khiến tiếng đàn gấp gáp
dừng đột ngột. Cô ngẩng đầu nhìn giáo sư Hàn, chờ đợi lời đánh giá của cô.
“Ừ, chơi cũng được”. Giáo sư Hàn lạnh lùng nhận xét. Vì sợ Hiểu Tranh
sẽ kiêu ngạo nên cô không muốn bày tỏ sự hài lòng của mình.
Chỉ là cũng được thôi sao? Hiểu Tranh hơi thất vọng. Đây là bài tập đầu
tiên mà giáo sư Hàn giao cho. Vì muốn thể hiện tài năng của mình, tạo ấn
tượng tốt trước mặt cô ấy mà Hiểu Tranh đã tập luyện rất vất vả. Tự mình
cảm thấy đã hoàn thành rất tốt, nhưng….
Giáo sư Hàn hiểu tâm tư của Hiểu Tranh, cô thầm mỉm cười, nhưng
không biểu lộ ra ngoài: Bản nhạc Chiến Đài Phong
này khí thế hào hùng,
có thế núi long biển gào, cường độ cực mạnh. Nhưng cường độ mạnh này
lại không giống nhau từ đầu chí cuối, mà cần phân biệt thật tỉ mỉ. Ví dụ như
thể hiện hình tượng cơn bão dữ dội, cần phải dùng tiết tấu mạnh, nặng nề để
thể hiện khí thế của bão lốc, lúc này bề mặt móng gẩy (khi diễn tấu cổ tranh
phải đeo móng tay giả để gẩy dây đàn) tiếp xúc với dây đàn phải lớn nhất.
Còn khi thể hiện hình tượng nhân dân kiên trì, dũng cảm nghênh chiến với
cơn bão, âm thanh mạnh nhưng lại phải đanh, rõ, móng gẩy tiếp xúc với
dây đàn phải nhanh, động tác phải dứt khoát, âm phát ra phải tròn đầy, chắc
chắn nhưng lại phải tránh được sự khô khốc do tiết tấu mạnh gây ra”. Giáo
sư Hàn nói rồi ngồi trước cây đàn tranh của mình, làm mẫu cho Hiểu Tranh.
Hiểu Tranh ngưỡng mộ giáo sư Hàn đã lâu, giờ mới có dịp được thưởng
thức tiếng đàn của cô nên vội vàng đi đến cạnh cô, chăm chú nhìn cô diễn
tấu…
“Như vậy đấy, em đã hiểu chưa?”. Sau một hồi đích thân giảng giải, làm
mẫu và lần lượt chỉ ra những điểm chưa hoàn hảo trong quá trình diễn tấu
của Hiểu Tranh, giáo sư Hàn kết thúc buổi học ngày hôm nay.
“Em hiểu rồi ạ, cảm ơn cô”. Hiểu Tranh khiêm tốn trả lời, trong lòng
không còn cảm thấy tự mãn nữa.