Nhưng đó chính là tôi. Tôi là thế. Ngồi nhận thành quả từ cuộc đời mình
không phải là một việc dễ chịu đối với tôi; nó không phải là một cảm giác
“quen thuộc”, như cộng sự của tôi Morrie Shechtman nhắc nhở. Tôi luôn lo
ngại rằng một cách vô thức mình đang kìm hãm đội ngũ và bản thân không
đến được thành công đỉnh cao chỉ vì nhu cầu đấu tranh từ trong sâu thẳm
của tôi.
Nhưng nhờ chia sẻ suy nghĩ này với những người quan tâm đến tôi, tôi đã có
thể tự nhận biết nó và thay đổi lối suy nghĩ của mình. Nói về nỗi sợ hãi và
làm cho bản thân bị tổn thương, một cách đơn giản, đã làm thay đổi tôi. Giờ
đây tôi có thể nhìn thấy hành vi của mình một cách rõ ràng và lập kế hoạch
để vượt qua. Và đội ngũ cố vấn của tôi - những người quan tâm đến sự thành
công nghề nghiệp của tôi - được phép (hay đúng hơn, có trách nhiệm) giúp
tôi trong cuộc chiến này. Điều tuyệt vời nhất là nó có tác dụng.
Tôi sẽ không nói dối - từ bỏ lối suy nghĩ này không phải là một điều dễ dàng
đối với tôi. Hầu hết chúng ta đều sống trong cảm nhận phải thể hiện một
hình ảnh mà người ta mong muốn ở mình (đồng thời cũng tự thuyết phục
bản thân về hình ảnh này). Nhưng quyền năng của việc cho phép mình tổn
thương trước người khác và kể cho họ về những bất an hay lo ngại của mình
khiến tôi nghĩ rằng đây là một cách để giúp chúng ta từ bỏ những thói quen
xấu và lối suy nghĩ tiêu cực của quá khứ.
Đặc điểm tư duy 3 – Thẳng thắn
Khi còn học đại học Yale, tôi đăng ký vào một lớp kinh tế của James Tobin,
học giả theo trường phái Keynes và đã từng đoạt giải Nobel, nay đã quá cố.
Tôi đã thuyết phục mình tham gia lớp học này mặc dù tôi còn xa mới đủ tiêu
chuẩn theo học, bởi vì thật ra tôi chỉ muốn được học với một người thông
thái như thế. Không có gì ngạc nhiên khi lớp học vượt quá sức tôi; tôi bị
chấm điểm C trừ, và ngay cả đến thế cũng đã khiến tôi phải cắn răng hết
sức. Tin tốt là tôi được chia sẻ ý tưởng của mình với một người từng đoạt
giải Nobel và chơi bài poker cùng với ông. Ông thường xuyên thắng tôi; tôi