tôn trọng người khác vì sự tử tế, sự thân thiện, sự thông thái, kinh nghiệm,
và động lực. Điều quan trọng là chúng ta phải tìm ra người mình tôn trọng
ngay cả trước khi có ý định trao đổi trung thực với họ. Tôn trọng nghĩa là
gì? Đó là thừa nhận sự độc đáo, giá trị, quan điểm, và sự thông thái của
người khác. Nếu bạn không tôn trọng người khác, thì hãy tin tôi, họ sẽ cảm
nhận được, và hoàn toàn không thể nào kiến tạo không gian an toàn giữa hai
người.
Thế còn những người có thể không có được tố chất kinh doanh mà bạn
muốn thấy ở một nhà cố vấn, nhưng bạn thật sự tôn trọng họ về mặt cá nhân
thì sao? Những người này có thể là những chiếc phao cứu sinh tuyệt vời
trong cuộc đời bạn, nhưng có thể họ không phải là người sẽ tư vấn cho bạn
về những vấn đề kinh doanh cụ thể đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn.
Hãy nhớ bạn cần hỏi đúng câu hỏi với đúng người - nhưng trong tất cả mọi
trường hợp, bạn đều cần đến cái cốt lõi là sự tôn trọng lẫn nhau.
2. Tạo cơ hội
Để mở đầu đối thoại với một người khác và yêu cầu anh ta phản hồi thẳng
thắn, bạn có thể phải sắp đặt từ trước khi gặp gỡ bằng một email, để anh ta
có thời gian suy nghĩ sẽ nói gì với bạn. Sau đây là một ví dụ: “Jim - Tôi hy
vọng anh sẽ giúp tôi một thứ. Anh biết là tôi rất muốn được thăng chức vào
vị trí đó. Thành thật mà nói, tôi cần lời khuyên của tất cả mọi người. Tôi thật
sự tôn trọng ý kiến đánh giá của anh. Anh là người tiếp xúc với tôi hàng
ngày - anh có thể lúc nào đó dành cho tôi chừng nửa giờ để đánh giá thật
trung thực về những gì tôi làm tốt, chưa tốt, theo quan điểm của anh? Tôi
thật sự trân trọng những gì anh nói”.
Nếu bạn cần sự phản hồi trung thực của ai đó, hãy cho họ biết bạn đang tìm
kiếm sự phê bình thẳng thắn, khách quan - không phải là những lời khen hay
chê nửa vời. Để làm được việc này, trước hết bạn phải thẳng thắn với bản
thân mình. Hãy tự hỏi mình: Tại sao tôi lại tìm đến người này? Với mục đích
gì?
3. Thể hiện rõ rằng mỗi phản hồi đều là một món quà