Hầu hết những người trong nhóm nhân viên của tôi đều cố gắng hết sức
trong tình cảnh CEO luôn vắng mặt. Nhưng điều buồn cười lại không liên
quan gì đến họ: Keith Ferrazzi, anh chàng được giới truyền thông mệnh
danh là “Mr. Relationship” do thành công của quyển sách Đừng bao giờ đi
ăn một mình cộng với số lượng các kết nối, lại gặp thất bại khi quản lý
những mối quan hệ trong công ty riêng của anh ta.
Chúng ta rất thường xuyên có cảm giác cái gì đó không ổn trong cuộc sống
của mình, nhưng chúng ta chọn cách bỏ qua trực giác và cứ tiếp tục làm theo
lý trí. Tôi chỉ ước giá mà tôi có đủ can đảm để nói với những người chung
quanh: “Các anh ạ, tôi cần được giúp đỡ. Tôi sắp chìm rồi”.
Hiểu mình là ai và thuộc thế giới nào
Về bản chất, vấn đề của tôi không chỉ đơn thuần là một vấn đề công việc.
Bởi vì có rất nhiều vấn đề chiến lược hay hoạt động hàng ngày trong công
ty, tôi phải dựa vào mạng lưới quốc tế mà mình đã xây dựng, vận dụng
những hiểu biết và hướng dẫn mà tôi đã miêu tả trong quyển sách Đừng bao
giờ đi ăn một mình.
Tôi có thể tìm đến bất cứ người nào trong số khách hàng, luật sư, nhà băng,
người cung cấp, hay các thành viên hội đồng quản trị trong mạng lưới của
mình để xin lời khuyên cụ thể. Tuy nhiên khả năng giúp đỡ của họ cũng chỉ
giới hạn ở mức một cuộc gọi điện hay một chầu cà phê - những việc rời rạc
và vụn vặt. Tôi không có một ai trong cuộc đời để có thể làm phiền bất cứ
lúc nào nếu cần một cuộc tranh luận hoàn toàn thẳng thắn, không e ngại về
những vấn đề đang diễn ra trong đời sống và trong công việc. Tôi chưa tạo
dựng được những mối quan hệ khăng khít và sâu sắc như thế với một vài
người chính yếu sẵn sàng làm bất cứ thứ gì để đảm bảo rằng tôi không bao
giờ thất bại, và ngược lại tôi cũng thế; những mối quan hệ mà tôi đã từng có
được với đội ngũ tại Deloitte.
Một mặt, tôi đã đánh mất khả năng nhận thức điểm mạnh và điểm yếu của
mình. Khi xảy ra chuyện, chúng ta mất quyền kiểm soát điểm yếu của mình,