người khác. Ngược lại, ở phương Tây, chúng ta có khuynh hướng độc lập
mạnh mẽ và chú trọng nhiều hơn đến quyền lợi và khả năng của cá nhân.
Sự khác biệt giữa hai nền văn hóa này được thể hiện ngoài thực tế dưới
nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ, các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng ở
phương Tây chúng ta có khuynh hướng rơi vào sai lệch quy kết nền tảng
(fundamental attributional error) - chúng ta giả định rằng hành động của con
người chịu tác động chủ yếu của nhân cách và phương pháp tư duy, thay vì
các tác động của xã hội và môi trường.
Trong một cuộc nghiên cứu nổi tiếng năm 1967, những người tham gia được
yêu cầu đọc các bài luận đưa ra luận cứ ủng hộ và chống đối nhà lãnh đạo
Cuba Fidel Castro. Thực tế, người viết những bài luận này đã tự tung đồng
xu để chọn xem mình sẽ viết luận cứ ủng hộ hay chống đối. Tuy nhiên khi
những người tham gia được cho biết rằng người viết luận đã được giao trách
nhiệm phải chứng minh cho lập trường nhất định, họ vẫn tin rằng nhìn
chung những người viết bài ủng hộ về căn bản có cảm tình với Castro hơn.
Lối tư duy thiên vị này ở phương Tây có tác động nhất định đến công việc
kinh doanh. Ví dụ, nếu một nhân viên bán hàng không thể thuyết phục một
khách hàng mới, phản ứng tự nhiên của chúng ta là đổ lỗi cho người bán
hàng - anh ta làm việc không tốt rồi phải không? Một người khác thuộc văn
hóa Viễn Đông, ngược lại, có thể cân nhắc tác động mạnh của những yếu tố
như nền kinh tế suy thoái, hoặc quyết định của người khách hàng, hoặc thế
mạnh của đối thủ.
Nisbett và các đồng nghiệp cho rằng tầm nhìn khác biệt này bắt nguồn từ
thời của những nền văn minh Hy Lạp và Trung Hoa. Trong khi nền văn
minh Hy Lạp ủng hộ tính cá nhân, lý luận, lối tư duy phân tích, nền văn
minh Trung Hoa lại nhấn mạnh đến lối tư duy biện chứng, tổng quan, và
canh tác tập thể.
Chúng ta không khó khăn gì để tìm thêm những ví dụ văn hóa chứng minh ý
kiến này. Từ bức tượng cưỡi ngựa nổi tiếng của Hoàng đế Marcus Aurelius
tại Campidoglio ở Rome đến Tuyên Ngôn Độc Lập của người Mỹ, người