tiên. Hoặc tệ hơn, tôi cho rằng họ đã nhìn thấy tất cả mọi thứ từ quan điểm
của tôi. Quan niệm sai lầm như vậy có thể dẫn đến kết quả khiêm tốn và
đôi khi thật nực cười.
Khi Orville và Wilbur Wright thành công trong việc điều khiển chiếc
máy bay của họ tại Kitty Hawk, North Carolina vào ngày 17 tháng 12 năm
1903, họ đã gửi điện tín cho chị gái họ ở Dayton, Ohio, để nói về việc họ
đã thực hiện được điều tuyệt vời đó ra sao: “Hôm nay, lần đầu tiên bọn em
đã duy trì được chuyến bay trong 59 giây. Hy vọng bọn em có thể về nhà
vào dịp Giáng sinh.”
Chị gái của họ, vui mừng trước tin tức này, đã vội vã tới văn phòng của
tờ báo địa phương và đưa bức điện tín cho biên tập viên để anh ta đăng tin
về nó. Sáng hôm sau, một bài báo đã xuất hiện với dòng tít: “Các nhà buôn
xe đạp nổi tiếng trong khu vực sẽ về nhà vào kỳ nghỉ lễ!”
Làm sao biên tập viên đó có thể hiểu nhầm tin tức như vậy? Anh ta đã
không thấy thứ mà chị gái của Orville và Wilbur thấy. Chúng ta thấy sự
nhầm lẫn này có vẻ hài hước, nhưng chúng ta cũng phạm phải những sai
lầm về nhận thức tương tự như vậy. Mọi người có thể ở cùng vị trí, thời
điểm, có chung trải nghiệm, nhưng việc quan sát từ vị trí khác sẽ cho thấy
rất nhiều khác biệt. Các nhà kết nối tài năng hiểu rõ xu hướng này và đã nỗ
lực quan sát mọi thứ từ quan điểm của người khác trước.
Hơn 30 năm trước, tôi vinh dự được nói chuyện với Paul Rees tại một
hội nghị các nhà lãnh đạo. Nổi tiếng với tầm nhìn và trí tuệ sâu sắc, lúc đó
ông khoảng 80 tuổi, còn tôi chỉ mới ngoài 30. Trong phần Hỏi-Đáp, có
người hỏi rằng nếu được trẻ lại và làm điều gì đó khác biệt, ông sẽ làm gì?
Tôi sẽ không bao giờ quên câu trả lời của ông: “Nếu tôi có thể trở lại thời
còn là một ông bố trẻ, tôi sẽ nỗ lực hơn trong việc quan sát mọi thứ qua
lăng kính của các con tôi.” Ông tiếp tục giải thích rằng ông đã bỏ lỡ nhiều
khoảnh khắc hướng dẫn các con bởi ông muốn chúng thấy những gì ông
thấy trước.
3. Hỏi “Tôi có biết điều anh biết?” trước khi hỏi “Anh có biết điều
tôi biết?”