trong phòng bắt đầu tăng. Khi tôi đề nghị họ nói với người kia rằng “đã đến
lúc rồi,” họ đều cười và nhiều người trong số họ thực sự đã nói câu đó.
Việc làm này thường khiến hầu hết mọi người vui vẻ và sau đó họ cảm thấy
kết nối hơn với tôi và với nhau.
Chắc chắn tôi không khuyên bạn nên làm tất cả những gì tôi làm. Những
gì hiệu quả đối với tôi chưa chắc đã có tác dụng với bạn. Khi giao tiếp, bạn
cần phải tìm ra phong cách riêng và thử nghiệm các kỹ thuật phù hợp với
bạn. Tuy vậy, nguyên tắc vẫn không đổi. Bạn cần phải tìm cách để sớm kết
nối với người nghe, khiến họ thoải mái và hứng thú ngay từ đầu.
4. Kích thích khán giả
Thật dễ giao tiếp với những người đầy nhiệt huyết, chủ động và thật khó
khăn với những người thụ động. Bạn nên làm gì trong các tình huống như
vậy? Bạn nên tiến lên trước và hy vọng kết quả tốt nhất sẽ xảy ra? Tất
nhiên là không. Bạn nên tìm cách kích thích các khán giả và khiến họ tham
gia cùng với bạn.
Bất cứ khi nào nói chuyện, tôi đều tìm những dấu hiệu của sự tham gia
từ những người tôi đang giao tiếp. Tôi kiểm tra xem họ có đang ghi chép
không. Tôi nhìn xem họ có đang cho thấy sự “lơ là” không. Mọi người có
giao tiếp bằng mắt không? Họ gật đầu chấp thuận hay hiểu vấn đề? Tôi có
nhận được phản ứng phù hợp của khán giả về điều tôi nói không? Mọi
người đang cười hay vỗ tay? Nếu có những dấu hiệu đó, thật tuyệt vời! Nếu
không, tôi sẽ tìm cách thu hút các khán giả tham gia vào bài nói chuyện.
Dưới đây là một số cách:
Đặt câu hỏi. Cho dù bạn đang giao tiếp trực tiếp với một người hoặc một
lượng lớn khán giả, thì việc đặt câu hỏi sẽ tạo ra một kết nối giữa bạn và
người nghe, vốn rất quan trọng đối với việc giải phóng năng lượng và nâng
cao mức độ quan tâm của họ. Bởi khán giả của tôi thường rất đa dạng, nên
khi bắt đầu, đôi khi tôi hỏi mọi người đến từ đâu và tôi sẽ nói đùa vài câu
về những địa danh khác nhau. Hoặc tôi sẽ đặt ra một câu hỏi liên quan đến
chủ đề sắp nói. Tôi chỉ cố gắng khiến mọi người tham gia ngay lập tức vào
bài nói chuyện.