Khi nhìn lại cuộc sống của mình, tôi có thể thấy năng lượng của tôi dành
cho công việc thường phụ thuộc vào những phẩm chất truyền cảm hứng của
người chỉ đạo công việc đó. Trong mọi trường hợp, điều làm nên sự khác
biệt là nguồn cảm hứng. Một số người truyền cảm hứng cho chúng ta nhiều
hơn những người khác.
“Nhân viên có động lực có khả năng rời tổ chức ít hơn so với nhân
viên không có động lực là 87%...”
– Bill Hybels
TẤT CẢ CHỈ LÀM TĂNG THÊM NGUỒN CẢM HỨNG
Trong nhiều năm, tôi đã nghiên cứu các nhà lãnh đạo, các diễn giả truyền
cảm hứng và kết nối với mọi người. Khi ai đó bắt đầu giao tiếp với những
người khác, điều đầu tiên mọi người làm là bắt đầu đặt câu hỏi ở mức độ
tiềm thức. Họ muốn biết có gì dành cho họ. Họ muốn biết diễn giả có đáng
tin cậy không nhưng họ cũng quan tâm đến cách người đó giao tiếp với họ.
Khi theo dõi các nhà giao tiếp hiệu quả truyền cảm hứng cho mọi người,
tôi đã đi đến kết luận rằng có một kiểu công thức, mà tôi gọi là phương
trình truyền cảm hứng, rất có hiệu quả:
Những gì họ biết + những gì họ thấy + những gì họ cảm nhận = truyền
cảm hứng
Khi ba yếu tố này xuất hiện và một người giao tiếp có thể ghép chúng
lại, nó tạo ra một sức mạnh tổng hợp có khả năng truyền cảm hứng cho mọi
người. Và từ nơi có cảm hứng đó, bạn có thể dẫn dắt mọi người hành động.
Chúng ta hãy nhìn vào từng “số hạng” thuộc phương trình truyền cảm hứng
trên.
NHỮNG GÌ MỌI NGƯỜI CẦN PHẢI BIẾT
Khi các diễn giả không kết nối nghĩ về những gì người nghe của họ cần
phải biết, họ tập trung vào thông tin. Đó không phải là những gì tôi đang
nói đến ở đây. Trong bối cảnh kết nối, mọi người cần phải biết bạn đang
đứng về phía họ. Triết học gia người Hy Lạp, Aristotle, hiểu điều này và
nhận xét về nó trong tác phẩm The Rhetoric (Tạm dịch: Thuật hùng biện).