và khiến tôi khó có thể đến một buổi nói chuyện theo lịch trình ở
Harrisburg, Pennsylvania. Cách duy nhất giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ là
đưa vợ tôi đi cùng để giúp tôi chuẩn bị quần áo và sẵn sàng nói chuyện,
đồng thời yêu cầu ban tổ chức cung cấp ghế để tôi ngồi.
Trong suốt chương trình, tôi đã khám phá ra một điều đáng kinh ngạc
rằng việc sử dụng ghế khiến tôi có nhiều nhiệt huyết hơn bình thường –
ngay cả khi bị thương ở lưng. Đồng thời, tôi cũng cảm thấy thoải mái và
kết nối với khán giả nhiều hơn. Sau khi phân tích tình hình, tôi nhận ra
rằng, tôi giao tiếp thoải mái hơn khi ngồi.
Kể từ đó, tôi đã nhận thức được sự cần thiết của việc luôn giữ thể chất và
tinh thần của tôi cởi mở trong quá trình giao tiếp. Khi ở văn phòng, tôi
không ngồi ở bàn khi nói chuyện với một ai đó. Chúng tôi ngồi ở những
chiếc ghế thoải mái, đối mặt với nhau mà không có bất cứ thứ gì ngăn cản
giữa chúng tôi. Hoặc nếu cần phải làm việc, chúng tôi ngồi cạnh nhau ở
cùng một phía.
Bất cứ lúc nào bạn loại bỏ các trở ngại và hạn chế khoảng cách, kết nối
sẽ trở nên dễ dàng hơn. Và sự va chạm về thể chất cũng hoàn toàn loại bỏ
khoảng cách. Một cái bắt tay, một cái vỗ nhẹ vào lưng, hoặc một cái ôm có
thể giúp thúc đẩy kết nối. Ca sĩ kiêm nhạc sĩ Sue Duffield đã kể với tôi một
câu chuyện về cha cô để minh họa cho sức mạnh của sự va chạm và cách
nó có thể giúp mọi người kết nối:
Tôi sẽ không bao giờ quên bàn tay của cha. Ông ấy là một công nhân
chăm chỉ, luôn sử dụng bàn tay của mình hàng ngày – nhưng bằng cách nào
đó vẫn chăm sóc nó cẩn thận và hoàn hảo... Một ngày, khi tôi nằm trong
phòng cấp cứu với những vết thâm tím và bị thương nặng sau một vụ va
chạm xe, tôi, một cô gái 17 tuổi đã gần như kiệt sức cho đến khi cảm nhận
được bàn tay của cha chạm vào vai. Tôi biết ngay đó là ai mà không cần
quay đầu lại. Tôi cảm nhận được năng lượng của ông qua cái chạm vai đó,
và một kết nối quen thuộc và thân thương với ý nghĩa: “Mọi chuyện sẽ ổn
thôi, con gái ạ.”