xộm như ngô khiến cả bọn chợt nhớ đến con chó vàng của nhà Gap-sun vừa
mới đẻ được những sáu con chó con, lạ là trong số ấy chẳng có con nào màu
vàng, mà chỉ có màu đen, màu trắng hay là đốm, v.v... Thôi thì đủ các thứ
chuyện linh tinh làm huyên náo cả cái chốn nhà xí tối tăm và biệt lập ấy. Thỉnh
thoảng còn nảy ra những liên tưởng khiến cả bọn cùng cười rộn lên.
Khoái nhất là việc đứa nào cho ra được những cục phân đẹp thì sẽ được bầu
làm thủ lĩnh. Tất cả chúng tôi đều hiểu rằng phân không phải là thứ bẩn thỉu,
mà à thứ sẽ đi vào lòng đất, làm nảy nở sinh sôi những chùm dưa chuột, những
trái bí đỏ lủng lẳng hay giúp cho mùi vị của những trái dưa lê, dưa hấu thêm
ngọt và thơm. Vì thế, chúng tôi đã cảm nhận được không chỉ là sự khoan khoái
theo bản năng bài tiết, mà còn là sự hãnh diện bởi bản thân đã góp phần vào
việc làm sản sinh ra những thứ hữu ích phục vụ cho cuộc sống.
Bên trong nhà xí thật thú vị, nhưng vẻ đẹp của thế giới bên ngoài khi bước
ra từ nhà xí sau một hồi ngồi lâu ở trong đó mới thật là kỳ diệu. Ánh nắng lấp
lánh trên những luống rau đầu bờ ruộng, bãi cỏ, cành cây, dòng suối, tất cả
chợt óng ánh, lấp lánh và sáng lòa đến kỳ lạ, cứ như thể lần đầu tiên được
trông thấy, khiến hết thảy lũ chúng tôi nhất loạt đều nheo mắt lại và hít vào
một hơi thật sâu, cảm thấy thật khoan khoái như đang làm điều bị cấm đoán.
Sau này, mỗi lần bước ra từ rạp chiếu bóng, sau khi xem xong những bộ phim
cấm học sinh và phải gập chiếc cổ áo màu trắng của đồng phục để vào xem, rồi
hòa mình vào ánh sáng và sự xa lạ của thế giới bên ngoài, tôi lại thấy mình như
được ùa về với những kỷ niệm chốn nhà xí thời thơ ấu.
Ít lâu sau, tôi có cơ hội được đọc bút ký mang tiêu đề Buồn chán của nhà
văn Lee Sang. Đó là câu chuyện về năm, sáu đứa trẻ ở nông thôn không có trò
gì để chơi, chúng bèn nhặt những hòn đá và dầm nát những ngọn cỏ. Nhưng
rồi chẳng mấy chốc, chúng phát chán, bèn giơ hai tay lên trời, gào thật to và
cuối cùng, tất cả ngồi dàn thành hàng, mỗi đứa tạo ra một đống phân. Lee Sang
gọi đó là sự tìm thấy hứng thú cuối cùng của những đứa trẻ không còn thấy
điều gì thú vị nữa hết. Nhà văn đã không giải thích thêm, nhưng với bút pháp
tài tình của ông, người đọc thật sự cảm thấy đó là sự buồn chán đến tận cùng.
Song, với một người sinh ra và lớn lên ở Seoul như Lee Sang, đó chỉ là cảm
hứng đã được quan niệm hóa và đã được tạo nên bằng cảm nhận của Lee Sang,
còn thực tế lại không phải như vậy. Cảm giác tội nghiệp dành cho những đứa