Phần III: Văn hóa
[20] Văn hóa doanh nghiệp
Trở lại đầu những năm 1990, khi nhắc tới “IBM”, ngay lập tức bạn nghĩ
đến từ ngữ và hình ảnh nào? Có lẽ là “Những chiếc máy chủ,” “PC” và
“Thinkpads”. Nhưng chắc chắn mọi người sẽ nghĩ tới “tập đoàn lớn”, “kỳ
cựu”, “kỷ luật cao”, “đáng tin cậy”, và “bộ com-lê và những chiếc sơ-mi
trắng”.
Điều thú vị là những cụm từ này không phải là những từ miêu tả sản
phẩm hay dịch vụ, mà lại đề cập đến con người và văn hóa doanh nghiệp.
Có lẽ IBM sở hữu những nét văn hóa có một không hai trên thế giới; tập
đoàn này nổi tiếng phần nhiều bởi yếu tố văn hóa thể hiện trong sản phẩm
của mình. Thậm chí ngày nay, khi bạn nghĩ về “IBM”, thì chắc chắn những
thuộc tính cố hữu (mang tính tích cực, đầy hy vọng) về một mô hình doanh
nghiệp và con người trong đó sẽ hiện ra trong bạn chứ không phải là những
chiếc máy tính hay phần mềm.
Trong nhiều năm trước khi đến IBM, tôi đã đảm nhiệm cương vị quản lý
cấp cao tại nhiều tập đoàn khác nhau. Thời điểm đó, tôi nghĩ rằng văn hóa
chỉ là một trong những nhân tố quan trọng đối với sự phát triển và thành
công của bất kỳ doanh nghiệp nào - cùng với tầm nhìn, chiến lược,
marketing, tài chính và các yếu tố khác. Tôi đã ghi lại những thuộc tính văn
hóa tích cực và cả tiêu cực tại các công ty mà tôi từng làm việc (“tích cực”
và “tiêu cực” dưới góc độ tạo nên thành công trên thương trường) và có thể
lúc đó tôi đã nói với các bạn về việc tôi tiếp cận hay thay đổi những thuộc
tính đó như thế nào.