Cuốn sách kết luận rằng: “Câu hỏi đặt ra là liệu IBM có sống sót được
không. Dựa vào những phân tích của chúng tôi cho tới nay, rõ ràng, triển
vọng của IBM là hoàn toàn mờ mịt.”
Morris và Ferguson còn viết một báo cáo khác dài hơn, mang tính
chuyên môn hơn và thậm chí khắc nghiệt hơn về IBM và bán chúng cho
các tập đoàn, các tổ chức với giá hàng nghìn đô-la một bản. Những người
lo sợ nhất lúc đó chính là các ngân hàng chủ nợ của IBM.
Paul Carroll, phóng viên phụ trách chính về mảng đề tài IBM của tờ Wall
Street Journal, xuất bản một cuốn sách nói về sự sụp đổ của IBM. Trong đó
có nói: “Thế giới sẽ trở nên rất khác vào ngày IBM khôi phục lại - giả sử
rằng IBM có thể khôi phục lại - và IBM sẽ không còn bao giờ giữ được vị
trí thống trị trong ngành công nghiệp máy tính nữa.”
Thậm chí cả tờ The Economist - tờ báo nổi tiếng thận trọng - trong vòng
sáu tuần đã đăng ba câu chuyện và một phóng sự dài về các vấn đề của
IBM. “Có hai câu hỏi vẫn đang xoay quanh công ty”, biên tập viên của tờ
báo viết, “Trong một ngành công nghiệp được điều khiển bởi những sự
thay đổi nhanh chóng về công nghệ và nhung nhúc những công ty nhỏ hơn,
lanh lẹ hơn, thì liệu một công ty lớn như IBM, dù tổ chức tốt đến đâu, có
phản ứng đủ nhanh lẹ để cạnh tranh hay không? Và liệu IBM có kiếm đủ
tiền từ việc mở rộng các mảng thị trường về dịch vụ máy tính, phần mềm
và tư vấn để bù đắp cho sự sụt giảm tồi tệ về doanh thu bán máy chủ, vốn
là nguồn thu nhập chính của công ty hay không?
“Câu trả lời cho cả hai đều có thể là không.”
Và tờ Economist phát biểu: “Nỗi bẽ bàng của IBM đã được nhiều người
nhìn nhận như một sự thất bại của nước Mỹ.”
Quyết định