nói: “IBM chính là công việc mà Trường Kinh doanh Harvard đã đào tạo
ông để làm. Hãy nhận nhiệm vụ đó đi.”
Tôi cho rằng còn có một lý do thứ hai khiến tôi thay đổi quyết định. Tôi
luôn bị thu hút bởi những thách thức, khó khăn. Lời đề nghị của IBM thật
sự khó khăn, dễ khiến người ta nản chí nhưng cũng khơi dậy nơi người
khác niềm khao khát muốn khám phá, thử sức. Giống như tình trạng của
RJR Nabisco khi tôi nhậm chức năm 1989. Thực tế thì kể từ ngày 15 tháng
2, tôi đã sẵn sàng đón nhận IBM cùng mọi vấn đề của nó. Vernon đã nói
với Jim Burke rằng cuối cùng tôi cũng sẽ vào cuộc. Tôi bắt đầu chuẩn bị
những câu hỏi, thắc mắc và trăn trở của mình để trình bày với Burke và bạn
của ông.
Khi Burke gọi lại cho tôi trong tuần đó, tôi nói với ông rằng tôi sẽ xem
xét đề nghị của IBM. Tôi sẽ cần nhiều thông tin hơn nữa, đặc biệt là về
triển vọng ngắn hạn và trung hạn của tập đoàn. Những dự đoán cay nghiệt
của báo giới và các học giả khiến tôi lo lắng. Tôi đã học được một bài học
cay đắng ở RJR Nabisco: một công ty phải đối mặt với quá nhiều thách
thức sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng cạn kiệt tài chính và đối mặt với
nguy cơ phá sản.
Tôi nói với Burke rằng tôi muốn gặp Paul Rizzo. Paul từng là Giám đốc
điều hành của IBM trong thập niên 1980. Tôi từng gặp ông đôi lần và rất
ngưỡng mộ ông. Ông về hưu năm 1987 nhưng được Hội đồng Quản trị của
IBM mời trở lại làm cố vấn vào tháng 12 năm 1992 để giúp John Akers
ngăn chặn và đẩy lui sự xuống dốc của tập đoàn. Trong cuộc điện thoại với
Burke vào tháng 2 năm đó, tôi bày tỏ mong muốn được rà soát lại dự toán
và kế hoạch hoạt động năm 1993, 1994 với Rizzo.
Jim hành động rất nhanh. Ngày 24 tháng 2, tại khách sạn Park Hyatt ở
Washington, D.C., nơi tôi đến để dự một cuộc hội thảo của Business
Council, tôi đã trốn họp một tiếng rưỡi để gặp riêng Paul trong phòng riêng