Tôi muốn kết thúc chương về lãnh đạo cá nhân này với một vài nhận xét
về tính chính trực. Tất cả những nhà lãnh đạo vĩ đại mà tôi biết đều rất
cứng rắn. Tuy nhiên, tất cả họ cũng đồng thời rất công bằng. Sự công bằng
hoặc không thiên vị là yếu tố vô cùng quan trọng để lãnh đạo thành công.
Thể hiện sự yêu thích hay ghét bỏ người nào đó sẽ hủy hoại tinh thần và sự
tôn trọng của đồng nghiệp.
Khái niệm này nghe có vẻ đơn giản, nhưng lại rất khó thực hiện. Trong
10 năm làm việc tại IBM, rất nhiều vị lãnh đạo đã đề nghị chấp nhận một
số ngoại lệ đối với các nguyên tắc và chính sách của công ty. “Năm nay
John không đạt doanh số, nhưng anh ta đã rất cố gắng. Tôi nghĩ chúng ta
vẫn nên thưởng cho anh ta để tạo động lực và giữ chân anh ta.” “Susan
nhận được lời chào mời từ một đối thủ cạnh trạnh và tôi biết rằng nếu
chúng ta đáp ứng việc thưởng cho cô ấy, chúng ta sẽ làm đảo lộn kế hoạch
lương thưởng, nhưng chúng ta phải thực hiện một ngoại lệ để giữ cô ấy.”
“Tôi biết có vẻ như Carl dính líu đến một vụ quấy rối tình dục và trước đây
chúng ta đã sa thải những người khác vì nguyên nhân tương tự, nhưng Carl
vô cùng quan trọng đối với sự thành công của Dự án X. Anh ta rất hối lỗi
và hứa sẽ không bao giờ tái diễn. Do vậy hãy phạt nặng nhưng không nên
sa thải anh ta.”
Trong hàng trăm cuộc nói chuyện như vậy, luôn có hai mặt của vấn đề;
luôn có một lý do có vẻ thích hợp để bỏ qua các nguyên tắc và cho phép
ngoại lệ. Và, sau khi kiểm tra thì trong mọi trường hợp nhà lãnh đạo đều tự
mình tạo ra lý do để tạo ra trường hợp ngoại lệ.
Tuy nhiên, về lâu dài, nếu một nhà lãnh đạo luôn ngoại lệ cho nhân viên,
khả năng lãnh đạo của họ sẽ giảm dần vì sự tin tưởng của đồng nghiệp sẽ
mất đi. Các nền văn hóa mà ở đó, việc xin tha thứ dễ hơn xin phép sẽ tan rã
theo thời gian. Các nhà lãnh đạo nào không đòi hỏi sự tuân thủ các nguyên
tắc và chính sách đúng đắn một cách thống nhất và công bằng sẽ đánh mất
sự hiệu quả của họ.