chư thiên trên những cảnh trời, ma, quỉ, long vương và chư Phạm Thiên. Vì
đã có nhiều kinh nghiệm với tất cả, nên điều đó không tạo vấn đề cho Ngài.
Ngoài những chúng sanh vô hình ấy Ngài cũng giúp đỡ nhiều sắc dân người
thượng khác nhau như Ekoh, Khamu, Muser và Maew. Họ rất cảm kích lắng
nghe những lời dạy của Ngài và hết lòng tin tưởng đến độ dù có phải hy sinh
tánh mạng vì Ngài họ cũng sẵn sàng. Đối với người không quen thuộc với
những người này, từ “người thượng”, thường có ý nghĩa xấu, bẩn và thô
kệch, man rợ. Nhưng kinh nghiệm của Ngài với họ thì trái ngược hẳn. Ngài
thấy họ cũng dáng điệu đẹp đẽ, da trắng và không hề bẩn. Họ là những
người có văn hóa, có những phong cách và kỷ luật của chính họ. Họ cũng
đoàn kết và cung kính tuân lời những vị lãnh tụ của họ. Với văn hóa và tập
tục của họ, từ “rừng rú” thay vì hàm ý hung bạo hay man rợ, mỉa mai thay
lại cho thấy bản tính thật thà và đạo đức, không có tội ác vì tham ái và hung
bạo như ta có thể dễ dàng thấy trong những khu rừng bê tông của các đô thị
và phố phường. Rừng của cây cối và muông thú, nghĩ theo một cách khác,
còn an toàn và thoải mái hơn là sống giữa rừng bê tông cốt sắt của thị thành,
đầy hiểm họa ô nhiễm hung bạo độc ác của tham ái, sân hận và si mê.
Đây là một khu rừng bí hiểm trong đó nhiều loài thú “hoang dại và hung
tợn” của ô nhiễm sống và đi thành từng bầy, tấn công con người một cách bí
hiểm, gây nhiều thương tích khó lành. Những vết thương ấy không những
gây hại cho sức khỏe của thân mà còn cả tâm nữa. Quả thật mỉa mai khi thấy
rằng rất ít người, nếu có, cư ngụ trong thành phố này mà quan tâm đến các
vết thương của mình, và không có ai có ý muốn tìm thuốc chữa. Vết thương
bị “nhiễm trùng” và trở thành một bệnh dịch kinh niên. Loại rừng này nằm
trong tâm tất cả mọi người, đàn ông, đàn bà, tỳ khưu và sāmaṇera.
Những cuộc tấn công lén lút của ô nhiễm thật khó cho ta đề phòng. Vì lẽ
ấy Ngài Acharn thích ở những nơi rừng hoang để Ngài rảnh tay đối phó với
những con thú hung bạo bên trong. Chính ở những vùng rừng sâu này mà
Ngài có thể thuần hóa những con thú hoang này hay đuổi chúng ra khỏi tâm.
Con người là một tạo vật thông minh, và như vậy, chớ nên để làm cho những
con thú hoang trong lòng áp đảo và đè bẹp mà phải can đảm chiến đấu
chống lại nó, như vậy mới đáng gọi là con người.