mức độ nào đó. Đến mức cao độ cùng tột, tâm có thể là người quan sát tuyệt
đối biệt lập, không dính líu đến những gì tốt và xấu của thế gian. Đó là pháp
hành cao thượng hơn tất cả, tối thượng và không pháp nào sánh bằng.
Bậc thiện trí, nhận thức được trạng thái hay điều kiện của tâm là điều tối
quan trọng trong Tam Giới, lúc nào cũng chịu khó luyện tâm và đồng thời
khuyến khích người khác làm như mình. Chính cái tâm thọ hưởng hay gánh
chịu quả của nghiệp, chứng nghiệm hạnh phúc hay đau khổ, tạo nên lãi hay
lỗ, tái sanh hay chết vào những cảnh giới an lạc hay khốn cùng. Như vậy
điều tối quan trọng là con người đối xử, rèn luyện, và canh phòng tâm của
mình một cách đúng cách trong hiện tại và trong tương lai.
Hai chị em, giờ đây là hai vị trời trong cảnh Tāvatiṁsa (Tam Thập Tam
Thiên), lấy làm hoan hỷ với lời dạy, nói rằng mình chưa bao giờ được nghe
Giáo Pháp như thế. Sau đó họ bái từ, nhiễu ba vòng quanh Ngài Acharn, lui
gót cho đến khi ra ngoài rồi bay bổng lên không trung như một cụm bông
gòn trong gió.
Linh ảnh ba con voi
Một câu chuyện đáng chú ý khác có liên quan đến linh ảnh trong khi tọa
thiền mà Ngài thấy khi lưu ngụ trong một vùng rừng núi xa xôi của tỉnh
Chiengmai. Vào khoảng ba giờ sáng, không gian tuyệt đối yên lặng và cơ
thể an tĩnh, thanh bình. Ngài tỉnh giấc và quán chiếu về Giáo Pháp một lúc
đến khi tâm cảm thấy muốn nghỉ ngơi hơn là quán chiếu. Khi đó Ngài cho
phép tâm rút vào tầng sâu nhất của định và nghỉ khoảng hai tiếng. Sau đó,
tâm rút ra một phần và lưu ở tầng định thứ nhì, nơi đây Ngài thấy một linh
ảnh.
Trong linh ảnh này, một con voi rất to lớn đi đến gần Ngài và quỳ xuống
như tỏ ý muốn thỉnh Ngài trèo lên lưng. Ngài liền trèo lên lưng voi, và lúc
ấy xuất hiện hai vị tỳ khưu trẻ tuổi, mỗi vị cưỡi một con voi cũng to lớn
nhưng hơi nhỏ hơn con voi của Ngài đôi chút, cả ba con voi đều đẹp như
nhau, dáng điệu hiền lành và oai nghi trông như voi của vua. Cả ba con voi
đều hiểu ý của người cưỡi.