định trong sự tu tập của mình và cương quyết đi theo Giáo Pháp chắc chắn
sẽ chứng nghiệm sự thật này, trong khi đó những ai không kiên định và
không quyết tâm thì không thể mong chờ gì tốt đẹp. Quả không thể đi ngược
nhân của nó. Đó là Pháp mà Đức Phật đã ban truyền.
Những vị tỳ khưu dhūtaṅga lúc nào cũng ấp ủ nguyện vọng thành đạt quả
lành của Giáo Pháp trong kiếp sống này, càng nhiều càng tốt. Hạnh phúc an
lạc của pháp hành thiền và thành quả “nhổ mũi tên” của trí tuệ là mục tiêu
cứu cánh ngay nơi đây và trong hiện tại. Dù kết quả của những thử nghiệm
này thế nào đi nữa, các vị đều trang bị cho mình đầy đủ ý chí nhiệt thành
cương quyết và hạnh tinh tấn chuyên cần.
Gương trí tuệ và sự kham nhẫn
Ngài Acharn không bao giờ quên khuyến khích chư vị tì khưu và
sāmaṇera đệ tử nên làm tròn bổn phận, trong lúc đau ốm cũng như khi khỏe
mạnh. Những thời giảng của Ngài luôn luôn khuyên tinh thần can đảm chiến
đấu hướng về mục tiêu giải thoát nhờ vào tự nỗ lực. Ngài nghiêm khắc quở
rầy vị nào bày tỏ dấu hiệu yếu ớt và kém nhẫn nại chịu đựng trong khi ốm
và có thể cấm dùng thuốc và không cho phép các vị đạo hữu chăm nom.
Than van rên rỉ và tỏ ra kém nhẫn nại không phải là phương cách làm chấm
dứt đau khổ và cũng không phải là tính cách của một vị tỳ khưu, là người
cần làm gương về trí tuệ và sự kham nhẫn. Phải tuyệt đối ngăn cấm sự yếu
đuối như thế trong hàng ngũ Phật tử thực hành, nếu không thì sẽ là gương
chán nản để cho người khác noi theo, làm cho càng ngày càng có nhiều
người rên rỉ và quằn quại như những con thú sắp chết. Nếu bệnh đau và khổ
có thể trị bằng những phản ứng cuồng loạn như vậy thì ắt không còn phương
thuốc nào nữa. Tóm lại, những phản ứng thiếu kiểm soát này chỉ là biểu hiện
của tính yếu hèn đáng khinh của chính mình.
Vị nào đã can đảm ứng phó với đau nhức và khổ nhọc bằng niệm và tuệ
cũng luôn luôn được ngợi khen. Ngài Acharn tán dương ý chí dũng cảm và
làm vị đó hoan hỷ bằng một bài giảng gây ấn tượng sâu sắc. Thậm chí sau
khi sức khỏe vị ấy đã hồi phục, Ngài vẫn còn tán dương.