trên đường. Cảm thấy như chắc chắn rằng, nếu gặp trở lại hai con cọp, sẽ đi
ngay đến vỗ đầu chúng để tỏ lòng thương mến và biết ơn.
Trầm mình trong hỷ lạc, Ngài tiếp tục đi cho đến sáng, nhưng chưa ra
khỏi bìa khu Rừng Lớn. Mãi đến chín giờ sáng mới đến làng, ở phía bên
ngoài bìa rừng. Thấy Ngài từ trong rừng đi ra vào lúc sáng sớm như vậy, cả
làng ai nấy đều hết sức kinh ngạc, chạy ra tụ họp lại để dâng vật thực và để
hỏi làm thế nào Ngài xuyên qua khu Rừng Lớn suốt đêm mà không bị hại.
Ngài Phra Acharn Chob nói rằng Ngài đi suốt đêm vì Ngài thích cảnh ẩn
dật, vắng vẻ. Họ rất đỗi sợ hãi và ngạc nhiên hỏi Ngài có gặp cọp trên đường
đi không. Ngài nói có gặp vài con nhưng chúng không làm gì hại. Trước tiên
người dân làng lấy làm khó tin, nhưng rõ ràng là Ngài vừa mới từ trong rừng
bước ra sau khi đi trọn đêm qua rừng và giờ đây đang đứng trước mặt họ.
Làm sao Ngài Acharn Chob gặp cọp giữa đường trong đêm tối mà còn
sống sót, và tại sao nhiều người đã bị lạc đường mà trong đêm tối Ngài vượt
qua khỏi rừng an toàn và không bị lạc. Đó là những câu hỏi quanh quẩn
trong đầu họ. Năng lực của Giáo Pháp quả thật là phi thường. Cuộc băng
rừng của Ngài Phra Acharn Chob có thể hữu ích cho tất cả những người
khách lữ hành đi xuyên qua khu rừng của đời sống. Trong cuộc hành trình
dai dẳng xuyên qua kiếp nhân sanh, Giáo Pháp thật vô cùng thiết yếu cho tất
cả mọi người để hộ tống và bảo vệ họ khỏi lầm đường lạc nẻo.
Cuộc mạo hiểm của Ngài Acharn Chob tại Miến
Điện và một con cọp cận vệ
Khi Phra Acharn Chob ở Miến Điện, lúc du phương trong rừng và lưu
ngụ trong một động trên núi để hành thiền thì thường có những con cọp đến
thăm, nhưng không có cọp nào gây tổn hại Ngài.
Một buổi chiều nọ, lúc khoảng năm giờ, Ngài ngồi thiền trong động như
thường lệ. Khi xuất thiền, vừa mở mắt ra thì thấy một con cọp to lớn ngồi
đối diện với mình trước cửa động. Có lẽ vì đã nhiều lần thấy cọp trong vùng
này, Ngài không cảm thấy sợ. Hai bên nhìn nhau một cách thản nhiên. Cọp
ngồi nhìn ngó xung quanh một lúc, rồi tình cờ nhảy vọt lên tảng đá bằng mặt