nhộn nhịp về tổ và đủ loài muông thú không ai sợ ai, trên một vùng đất phì
nhiêu. Không khí an lành một cách kỳ diệu, mỗi chúng sanh ung dung tiến
bước trên con đường của mình, lo chuyện của riêng mình, không ai có lý do
gì để sợ lẫn nhau. Tất cả đều nhìn nhau với cặp mắt thân thiện quen thuộc,
biết rằng chắc không ai muốn gây tổn hại cho ai.
Ngài Acharn nói rằng Ngài thích có chúng làm bạn, luôn luôn rải tâm từ
đến tất cả. Tất cả đều chung nhau những nỗi thống khổ sanh, già, bệnh và
chết, và như vậy Ngài nghĩ rằng không ai có lợi thế hơn ai về mặt này. Mức
độ phát triển sự bình an trong nội tâm (pāramī) giữa loài thú và loài người
có khác nhau. Tuy nhiên, sự khác biệt này đôi khi được thấy là xảy ra theo
nghịch lý, có con thú còn hoàn thiện hơn một số người. Con người, vì đôi
khi phải thọ nhận hậu quả của vài nghiệp xấu đã tạo trong quá khứ, tạm thời
phải chịu khổ đau nên phải sanh vào cảnh thú. Thậm chí trong cảnh người,
cũng có thể thấy song song những người sống trong cảnh khốn cùng (gần
như không hơn cảnh thú mấy). Họ phải chịu khốn khổ trong những trạng
thái ấy cho đến khi trả hết nghiệp xấu, hoặc đến khi hội đủ duyên cho nghiệp
tốt trổ sanh, thay thế nghiệp xấu. Người Phật tử được khuyên dạy không nên
khinh rẻ loài thú, bởi vì bên trong tất cả mọi chúng sanh đều có nghiệp xấu
và nghiệp tốt pha trộn lẫn lộn, người cũng như thú
Đến chiều tối, Ngài Acharn quét sạch phía trước động và tiếp tục nỗ lực
tận diệt ô nhiễm, ngồi thiền rồi đi kinh hành, đi rồi ngồi, thiền tọa và thiền
hành xen kẽ. Ngài vững chắc và bền bỉ trau dồi cả định và tuệ, quán chiếu
các uẩn, phân tích, phân loại và tiêu hóa chúng trên nền tảng ba đặc tính của
sự tồn tại (vô thường, khổ, vô ngã). Nhờ vậy tuệ giác của Ngài được trau
dồi, giúp Ngài càng chắc chắn tiến đạt Mục tiêu Cuối cùng.
Thời Pháp của chư vị đệ tử A La Hán
Vào lúc trời về đêm, thỉnh thoảng chư vị đệ tử A La Hán của Đức Phật
đến giảng Giáo Pháp trong khi Ngài Acharn tọa thiền. Theo lời dạy của một
vị A La Hán, khi đi kinh hành phải canh phòng nghiêm ngặt, thận trọng theo
dõi thân cũng như tâm.