thôi. Ông khuyên sư nên nhờ Ngài Acharn giải tỏa, dẹp gánh nặng ấy đi, có
phải bao nhiêu lần tốt đẹp hơn là lẩn tránh, bỏ chạy để trốn nó. Dù vậy, vị sư
già quá kinh hãi nhất quyết bỏ đi. Hỏi đi đâu, sư chỉ trả lời là sư sẽ đi xa.
Bản thân sư cũng không biết sư sẽ chạy đi đâu. Một người con của ông thiện
tín đưa sư đi một đoạn xa, nhưng cũng không biết sư đi đâu vì sư không nói
gì.
Nghe kể lại câu chuyện, Ngài Acharn bồi hồi, lòng rất thương cho vị sư
già. Biết ra thì những gì Ngài làm với ý tốt muốn giúp sư giờ đây đã đem lại
hậu quả trái ngược. Vị sư già hoàn toàn hoảng hốt sợ hãi. Từ đó Ngài
Acharn không bao giờ thử đọc lại tâm của sư, nghĩ rằng làm vậy có hại
nhiều hơn lợi. Ngài kể qua cho ông thiện tín nghe một cách không trực tiếp
những gì Ngài nói với vị sư già, và thêm rằng Ngài không nghĩ vị sư đó lại
xem những lời ấy là quá nghiêm trọng. Cái được gọi là trung tâm thiền
vipassanā giờ đây hoang vắng vì thế.
Tất cả những gì xảy ra liên quan đến vị sư già là một bài học cho Ngài
Acharn về cách đối xử với những người đến gặp Ngài. Kể từ đó Ngài không
bao giờ trực tiếp phê bình thẳng những suy nghĩ của người khác. Ngài đề
cập đến, nhưng chỉ nói một cách xa gần cho đương sự hiểu Ngài muốn nói
gì mà không chạm tự ái ai. Tâm của người bình thường không được rèn
luyện, cũng giống như em bé mới tập đi. Dĩ nhiên nó phải ngả nghiêng qua
lại. Người lớn chỉ có thể trông chừng, bảo vệ cho nó khỏi bị té đau mà
không thể cấm nó lững thững, vấp váp. Cũng như vậy, không thể làm cho
một cái tâm chưa từng được trau dồi khỏi phải xiêu vẹo ngả nghiêng theo
những suy nghĩ và xúc cảm đột biến.
Trong khi lưu ngụ tại động này, Ngài còn nhận chân thêm những sự thật
“mới”, từ bên trong và từ nguồn chân lý vô tận bên ngoài. Ngài phấn khởi và
hưởng hỷ lạc trong pháp hành, không để ý đến thời gian trôi qua. Càng ngày
càng có nhiều chân lý từ nội tâm bừng lên rọi sáng cho Ngài như một dòng
suối cuồn cuộn tuôn trào trong mùa mưa. Vào những buổi chiều quang đãng,
Ngài rảo bước dài theo đường mòn quanh co dưới những bóng cây, thưởng
ngoạn cảnh vật và thọ hưởng trạng thái cô tịch trong khi trau dồi và phát
triển tuệ minh sát. Ngài trở về động lúc hoàng hôn, giữa cảnh chim chóc