tinh hoa của Saint Paul, Minnesota, gửi những con cháu mặt mụn của mình
tới học điệu vasle và lễ nghi.
Noel 1940
Chà! Goofo, Búp Bê của tôi, Chàng Hề của tôi!... Chúng tôi giống
nhau quá thể, anh và tôi, ngay từ lúc lọt lòng đã giống nhau, hai tay khiêu
vũ vui đâu chầu đấy, hai đứa con muộn mằn, hai đứa trẻ được cưng chiều,
ngang ngạnh không chịu nổi và, anh cũng như tôi, sức học làng nhàng
nhưng là một bộ đôi nổi bật “Có-thể-làm-tốt-hơn”, hai tạo vật tham lam vô
độ và bị kết án buộc phải thất vọng.
Chúng tôi có biết bao nhiêu điểm chung. Trong một bài phỏng vấn cho
tờ New Yorker, ông bạn cũ Wilson trung hậu hôm qua đã tuyên bố rằng điều
lý thú nhất nằm ở sự giống nhau về hình thức giữa hai chúng tôi. “Thậm chí
từ trước khi thành hôn, họ đã có nét giống nhau”, Wilson nói. “Như anh trai
và em gái vậy. Thật kỳ lạ, một trong rất nhiều điều khác thường ở họ.”
Về phần mình, tôi chưa bao giờ nhận ra điều ấy, nhưng tôi còn nhớ
một buổi chiều, trong phòng hạng sang của chúng tôi tại khách sạn
Algonquin, nơi tôi tự hóa trang, chải tóc hất ra phía sau với đường rẽ ngôi ở
chính giữa và nguyên một tuýp sáp xức tóc, trước khi xỏ vào người một bộ
quần áo của Scott (đó là trang phục sĩ quan của anh, tôi cho là vậy, một bộ
vest tuxedo màu xanh thẫm với ve áo viền bạc, dải trang trí bằng xa tanh
trên đường may của chiếc quần âu và những chiếc khuy chạm trổ hình chim
đại bàng đế quốc), rồi tôi thắt chiếc cà vạt màu đen trên cổ trần. Bộ trang
phục rủ xuống hoàn hảo, như thể được cắt may cho riêng tôi, hông tôi
thẳng và bộ ngực con trai gầy đét: chiếc cổ áo hở vai này nằm trên họng tôi,
tôi cảm nhận nó và bỗng nhiên thấy chóng mặt. Lần đầu tiên ở Manhattan,
tôi là một người đàn bà khêu gợi, một quả bom như thiên hạ vẫn thường
nói, một người đàn bà khiến người ta khi cùng tới nơi nào đó thì điên lên vì
tự hào và khi cùng trở về nhà thì điên lên vì ham muốn - không còn vẻ gì là